Thông tư 03: Thêm dư địa để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó | |
Nhanh chóng tìm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp | |
Nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch |
Hỗ trợ cả ngân hàng và doanh nghiệp
Ngày 17/5, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chính thức có hiệu lực.
Theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh việc mở rộng phạm vi hỗ trợ, Thông tư 03 còn giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho các ngân hàng, qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp trở lại tại nhiều địa phương trong cả nước, những chính sách lại càng có ý nghĩa, giúp ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh đón đầu cơ hội khi kinh tế phục hồi.
Thông tư 03 đã mở rộng phạm vi hỗ trợ doanh nghiệp |
TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đánh giá, các giải pháp, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đưa ra từ đầu năm đến nay, trong đó có việc ban hành Thông tư 03 là phù hợp với diễn biến tình hình thực tế và tạo thêm dư địa để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp.
Cho rằng, những thay đổi tại Thông tư 03 về cơ bản là phù hợp, theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cái được lớn nhất tại Thông tư này là tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn do không bị chuyển nhóm nhất là trong bối cảnh gặp khó khăn như hiện nay. “Đây là yếu tố hỗ trợ rất quan trọng để doanh nghiệp có thể phục hồi”, ông Lực nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Thông tư 03 đặt ra lộ trình 3 năm đối với khoản dự phòng rủi ro bổ sung đã giảm bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro, nhưng vẫn đủ đảm bảo giảm bớt hiện tượng lãi ảo của các TCTD.
Bản thân các ngân hàng cũng rất phấn khởi khi Thông tư 03 có hiệu lực đúng giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, trong thời điểm nước sôi lửa bỏng như hiện nay, cơ chế mở tại Thông tư 03 như liều thuốc giảm đau giúp cho doanh nghiệp tiếp tục đứng vững để duy trì hoạt động. Khi doanh nghiệp hồi phục, tạo thu nhập và lúc đó họ tự chữa bệnh được.
“Có thể thuốc này không chữa khỏi hẳn bệnh, nhưng ít nhất cũng giúp người bệnh chống chịu đứng vững được chứ không bị suy kiệt. Đứng trước sự sống và chết thì những cơ chế nới lỏng như vậy rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với khách hàng và ngân hàng”, ông Tùng bày tỏ.
Cần đồng bộ các giải pháp
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 5/4/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số luỹ kế từ 23/1/2020 đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng. Với việc mở rộng phạm vi hỗ trợ như ở Thông tư 03, theo dự kiến các con số trên sẽ tiếp tục tăng mạnh. Điều này đồng nghĩa có thêm nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ chính sách.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, áp lực nợ xấu trong tương lai đối với các ngân hàng cũng sẽ tương ứng, vì không loại trừ có các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ trở thành nợ xấu. Đó là một rủi ro tiềm ẩn trong tương lai. TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ lo ngại, nếu dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp, doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn không thể trả nợ, sẽ khiến các TCTD cạn kiệt nguồn lực để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. “Áp lực của ngân hàng là rất lớn”, TS. Hùng nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực cũng nhận định, nợ xấu chắc chắn chịu nhiều áp lực tăng trong năm nay. Tuy nhiên ông cho rằng, không nên quá lo bởi các ngân hàng cũng đã lường trước tình huống này nên đã có sự chuẩn bị thông qua việc quyết liệt xử lý nợ xấu tồn đọng và tăng trích lập dự phòng rủi ro. Nên nếu có vấn đề phát sinh thì ngân hàng cũng đã sẵn nguồn trích lập dự phòng để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến.
Trên thực tế, với năng lực tài chính và tỷ lệ bao nợ xấu nội bảng của các ngân hàng ngày càng cao cho thấy khả năng kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng vẫn khá tốt. Chẳng hạn như tại Vietcombank, chốt năm 2020, dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu lại tại Vietcombank chỉ 5.156 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ dự phòng rủi ro dư nợ cho vay nền kinh tế của ngân hàng này tại cùng thời điểm lên tới 19.242,7 tỷ đồng. Tỷ lệ bao nợ xấu nội bảng theo đó lên tới 368% - cao nhất hệ thống...
Song, sức khỏe của các ngân hàng trong hệ thống vẫn chưa thực sự đồng đều. Để giải quyết dứt điểm các khó khăn cho các TCTD, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, một lần nữa TS. Nguyễn Quốc Hùng đề xuất, Chính phủ phải có một giải pháp mang tính đặc thù hỗ trợ ngành Ngân hàng bằng cách cho phép khoanh nợ. Nếu được như vậy, TCTD giảm bớt áp lực lo nợ xấu, mạnh dạn cho vay hơn và quan trọng đảm bảo tính pháp lý khi cho vay mới đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid.
Đối với đề xuất trên, theo TS. Cấn Văn Lực, đó cũng là phương án cần tính đến. Một vấn đề mà vị chuyên gia này lưu ý là các giải pháp tiền tệ tín dụng chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Thông thường đối với các nước, hỗ trợ về tài khoá, hỗ trợ an sinh xã hội ở mức lớn hơn so với gói hỗ trợ tiền tệ tín dụng. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, chỉ mình ngân hàng sẽ khó có thể hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp mà rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, song đôi khi lại nằm ngoài các chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn, mặc dù đã nhiều lần Hiệp hội Ngân hàng gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo quyết liệt để các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc giảm phí (cước) tin nhắn SMS đối với dịch vụ tài chính - ngân hàng xuống bằng giá cước tin nhắn thông thường hoặc bằng 50% giá cước tin nhắn hiện nay... Nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được hồi đáp. Trong khi đó, ngân hàng vẫn phải thực hiện tiết giảm chi phí, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho vay mới, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho vay mới, giảm phí giao dịch thanh toán…
“Thời gian tới, cần phải có sự phối hợp đồng bộ các giải pháp mới có thể hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, sớm vượt qua khó khăn”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Tính đến ngày 5/4/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng. |
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)