Thu hút FDI Hà Nội tạo đột phá
Thu hút FDI đối diện nhiều xu thế mới | |
Thu hút FDI phát triển nhà ở xã hội: Tại sao không? | |
Hà Nội thu hút FDI theo chiều sâu |
Trong những năm gần đây, Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Mặc dù trải qua hơn 2 năm 2021 và 2022 bị ảnh hưởng của Covid, việc thu hút FDI có phần chững lại. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2023, khi nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ cùng với việc triển khai nhiều giải pháp, thu hút FDI của Hà Nội tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt khoảng 1,71 tỷ USD (tăng 260% so với cùng kỳ).
Theo đại diện Sở KH&ĐT TP. Hà Nội, đến nay, Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực với số vốn đầu tư là 61,7 tỷ USD (trong đó vốn mua cổ phần với giá trị 21,8 tỷ USD). Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện được 41,1 tỷ USD (chiếm 66,6%), đây là tỷ lệ khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố thu hút được 1,707 tỷ USD vốn FDI: Cấp mới 103 dự án với số vốn 35,2 triệu USD; 50 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 91,8 triệu USD; 105 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 79,9 triệu USD và 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư Nhật Bản (Sumitomo) mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD. Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc định hướng chiến lược trong thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, thành phố đã xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô. Dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo. Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ... Để tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, thành phố đang thúc đẩy hình thành mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện về mặt bằng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư và triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI vào Hà Nội.
Mới đây, Tập đoàn INVENTEC (IEC) chuyên sản xuất và tiêu thụ các thiết bị điện tử và công nghệ đang vận hành hàng loạt trung tâm sản xuất và nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc, Mexico, Bắc Mỹ và một số địa điểm khác trên toàn cầu, với doanh thu gần 20 tỷ USD năm 2022 vừa chính thức ký hợp tác đầu tư dự án tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (KCN HANSSIP).
Các KCN đang thu hút nhiều nhà đầu tư FDI |
Ông Trương Cảnh Tung, Chủ tịch Tập đoàn INVENTEC - Đài Loan - Trung Quốc cho biết, Hà Nội có môi trường đầu tư hấp dẫn, nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dự án. Theo đó tập đoàn lựa chọn Thủ đô Hà Nội là một trong những địa bàn trọng điểm với mục tiêu trước mắt là dự án công nghệ cao tại khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Việc chuẩn bị cho dự án này đã diễn ra trong vài năm qua và Tập đoàn hiện đã đầu tư vào KCN Quang Minh ở Mê Linh từ tháng 7/2022, đây được xem như bước đệm đầu tư đầu tiên của tập đoàn trong hoạt động đầu tư vào thành phố. Dự án của INVENTEC đầu tư tại HANSSIP dự kiến đi vào hoạt động đầy đủ từ quý IV/2024 sẽ đem lại từ 20.000 - 25.000 việc làm thường xuyên, hình thành tổ hợp nghiên cứu sáng chế phát triển và chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm và linh kiện công nghệ cao; cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội và Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của INVENTEC và đối tác trên toàn thế giới. INVENTEC mong muốn chính quyền thành phố sẽ hỗ trợ thúc đẩy tiến độ, thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư triển khai các dự án.
Có thể thấy, Hà Nội đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung xây dựng danh mục công khai thu hút đầu tư. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, trong những năm qua, Hà Nội luôn nằm trong top đầu cả nước về môi trường đầu tư thuận lợi. Bên cạnh việc thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, các chính sách thu hút đầu tư cũng được thường xuyên triển khai như cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, đất đai... Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ để thúc đẩy thu hút và triển khai các dự án có sử dụng đất, trong đó có các dự án FDI. Trong đó các vấn đề vướng mắc chủ yêu liên quan đến lập quy hoạch, thủ tục về đầu tư, dự án chậm tiến độ, về tiếp cận đất đai... Theo đó, cần có những giải pháp thiết thực để khắc phục những hạn chế, tạo điều kiện thu hút đầu tư, nhất là tiếp cận đất đai đối với nhà đầu tư nước ngoài..
Trong thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Đặc biệt, thành phố đang xây dựng phương án phát triển khu, cụm công nghiệp để phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô. Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đang triển khai các thủ tục để thành lập 4-5 khu công nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là điều kiện để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất công nghệ cao, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện tiếp nhận quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tập trung đẩy mạnh hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường Vành đai 4, hạ tầng điện lực, viễn thông, thông tin để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực phát triển đô thị, sản xuất, khoa học và công nghệ... Bên cạnh đó thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính trong giải quyết lĩnh vực đầu tư nhất là các dự án đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.