Hà Nội thu hút FDI theo chiều sâu
Vốn đầu tư nước ngoài trở lại mạnh mẽ | |
Hoàn thiện thể chế để hút vốn FDI chất lượng cao | |
Đầu tư nước ngoài sẽ phục hồi rõ nét hơn |
Ngay trong những tháng đầu năm 2023, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã ghi nhận những con số tích cực về nguồn vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Đây được đánh giá là sự khởi đầu thuận lợi khi Hà Nội quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào... để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, góp phần quan trọng phát triển kinh tế Thủ đô.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, dòng vốn đầu tư nước ngoài tháng 1/2023 của thành phố vẫn đạt 21,8 triệu USD, trong đó, cấp phép mới 22 dự án với tổng vốn 2,4 triệu USD; có 9 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 14,2 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu 23 lượt, đạt 5,2 triệu USD. Để có được thành quả đó, thành phố đã không ngừng nỗ lực trong việc tạo môi trường đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các Khu công nghiệp (KCN). Với nhiều tín hiệu tích cực, các chuyên gia nhận định, trong năm 2023, Hà Nội sẽ tiếp tục nằm trong số các tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút FDI.
Hà Nội định hướng thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững |
Đại diện Công ty TNHH CMS Vina - Hàn Quốc (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh) chia sẻ, công ty có mặt tại Việt Nam từ năm 2011, hoạt động trong lĩnh vực in ấn và các dịch vụ liên quan đến in; sản xuất tem, nhãn, miếng dán màn hình điện thoại. Đồng thời, thực hiện các quyền xuất - nhập khẩu và phân phối bán buôn, bán lẻ hàng hóa theo quy định. Trong quá trình đầu tư tại Hà Nội, công ty nhận thấy nơi đây có môi trường đầu tư khá thuận lợi, nhất là về hạ tầng các KCN; bên cạnh đó, Hà Nội có hệ thống giao thông thuận tiện, nguồn nhân lực dồi dào. Đây là những điều kiện thuận lợi để công ty có thể mở rộng sản xuất. CMS Vina có tổng vốn đầu tư 10,3 triệu USD và hiện tại có 505 lao động, trong đó, có 498 lao động là người Việt Nam và 7 lao động là người nước ngoài. Doanh thu tính từ tháng 1 đến tới 31/12/2022 là 38,088 triệu USD. Trong năm 2023, công ty mong muốn tiếp tục nhận được những hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (KH&ĐT), trong những năm gần đây, bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đóng vai trò tích cực và rất quan trọng trong việc thu hút FDI. Thời gian qua, Hà Nội đứng đầu cả nước về tỷ lệ các thủ tục đăng ký doanh nghiệp thực hiện bằng hình thức điện tử. Cụ thể, thành phố luôn duy trì tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng là 100%; cắt giảm thời gian giải quyết, phản hồi tính hợp lệ của hồ sơ đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất, ưu tiên rút ngắn thời gian giải quyết đối với thủ tục đơn giản. Chính việc thực hiện tốt TTHC đã góp phần rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hà Nội đang vươn lên thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong khu vực Đông Nam Á, mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực môi trường, năng lượng sạch, phát triển hạ tầng, dịch vụ tài chính, nghiên cứu và phát triển (R&D)...
Ông Preben Hjorlund, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, các doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam trong năm 2023 khi tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới đang dần tốt lên. Việt Nam có rất nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực về tiềm năng, thị trường, hợp tác thương mại và sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Với những phát triển gần đây, cùng với việc ngày càng hội nhập sâu rộng với tư cách là một trung tâm kinh tế quốc tế, Việt Nam có cơ hội lớn trong việc thu hút làn sóng FDI xanh, chất lượng cao mới từ các nhà đầu tư châu Âu. Có thể nói đây là thời điểm tốt nhất để tăng tốc, phát triển bền vững tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, thành phố đã xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung và khối doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng trong phát triển và hội nhập của Thủ đô. Chính vì vậy, thành phố tích cực tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, thúc đẩy hình thành mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện về mặt bằng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Trong năm 2023, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu... Cùng với đó, tăng cường liên kết đầu tư trong và ngoài nước, phấn đấu thu hút 30 - 40 tỷ USD vốn FDI; vốn giải ngân đạt 20 - 30 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, thành phố định hướng thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.