Thúc đẩy cho vay tiêu dùng, tạo động lực phục hồi kinh tế
Thực tế, trong thời gian qua, NHNN cũng đã có nhiều biện pháp tạo điều kiện, chỉ đạo tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để phục vụ nhu cầu đời sống của người dân.
Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, thời gian qua các tổ chức tín dụng đã và đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các công nghệ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy... trong quy trình chấm điểm, đánh giá, kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. Đặc biệt, khoảng 1 năm gần đây, nhiều ngân hàng đã và đang thử nghiệm, triển khai sản phẩm dịch vụ đăng ký khoản vay trực tuyến cho khách hàng cá nhân và đã nhận được ủng hộ vì sự tiện lợi, nhanh chóng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay trong đó có cho vay tiêu dùng, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng bổ sung quy định về phê duyệt các khoản vay qua phương tiện điện tử.
Trong báo cáo đánh giá tác động của Thông tư này,VNDirect nhận định, đây là những tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này trong thời gian qua khá tích cực so với tín dụng chung của hệ thống. Đến cuối 2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phê duyệt khoản vay bằng phương thức điện tử sẽ tạo cơ hội để “bùng nổ” hoạt động cho vay trực tuyến. Đặc biệt là những khoản vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống, tạo sự thuận tiện hơn cho người dân, phê duyệt nhanh chóng, thủ tục đơn giản, sẽ kích thích tín dụng tiêu dùng phát triển.
Thúc đẩy cho vay tiêu dùng làm động lực phục hồi kinh tế |
Hiện các nhà băng cũng đang tích cực tung hàng loạt gói vay tiêu dùng ưu đãi tới người dân, để kích thích tiêu dùng từ nguồn vốn rẻ. Đơn cử như PVcomBank mới đây thông báo đẩy mạnh triển khai gói tín dụng ưu đãi lên tới 13.500 tỷ đồng phục vụ cho vay khách hàng với mức lãi suất giảm tới 4% so với lãi suất thông thường, triển khai đến hết 31/01/2024 hoặc khi hết dư địa giải ngân. Hay tại Agribank, ngân hàng này đang triển khai chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước với tổng nguồn vốn cho vay lên đến15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường...
Không chỉ các ngân hàng, hệ thống công ty tài chính được NHNN cấp phép cũng đang triển khai mạnh mẽ hoạt động của mình để đem đến nhiều sản phẩm tài chính tiêu dùng hấp dẫn tới người dân.
Gặp khó vì làn sóng “bùng nợ”
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đánh giá, thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang phát triển sôi động, đầy tiềm năng, nhiều cơ hội cho người dân tiếp cận tín dụng chính thống với lãi suất tốt. Nếu đẩy mạnh được cho vay tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay sẽ là cơ hội rất tốt để kích thích sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần phục hồi kinh tế.
Phân tích cụ thể hơn, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, tài chính tiêu dùng góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thể hiện qua ba phương diện: góp phần tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, nhất là giai đoạn sau dịch bệnh, từ đó, thúc đẩy sản xuất và cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; khi tài chính tiêu dùng tập trung vào phân khúc khách hàng dưới chuẩn, nhỏ lẻ, khó hoặc chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam; tạo việc làm cho xã hội với nhu cầu về nhân lực tài chính, tư vấn khách hàng, quản trị hệ thống... "Việc mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng cho người dân góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, giúp giảm thiểu các hệ lụy, bảo đảm an ninh trật tự xã hội", TS. Lực nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những “rào cản” vô hình ngăn cản sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng vốn có rất nhiều tiềm năng. TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong khi các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép được quản lý chặt chẽ thì nhiều công ty không phải do NHNN cấp phép đã lợi dụng trà trộn mở rộng mạng lưới vào các địa bàn khó khăn, tiếp cận người dân, cho vay vốn lãi suất rất cao dưới nhiều hình thức. Không những thế khi đòi nợ đã dùng mọi hành vi thủ đoạn manh động để ép người dân trả tiền. Hiện tượng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của các công ty tài chính, dẫn đến hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn.
Vấn đề bất cập nữa hiện nay gây khó cho hoạt động cho vay tiêu dùng đó là nợ xấu. Nền kinh tế vừa vượt qua đại địch Covid, lại phải đương đầu với nhiều cơn gió ngược từ kinh tế toàn cầu. Những khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ vay tiêu dùng của khách hàng. Bên cạnh đó, không ít khách hàng chây ỳ trả nợ, tỷ lệ khách vay “không trả nợ” ngày càng cao. Trong khi đó, chế tài đối với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp.
Với dân số hơn 100 triệu dân, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện, cho vay tiêu dùng được nhận định là một mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng đối với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển, giới chuyên gia nhận định, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với tổ chức tín dụng; các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.
Bên cạnh đó, xem xét tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp việc thẩm định, xác minh thông tin khách hàng trong quá trình xét cấp tín dụng được đầy đủ, chính xác và kịp thời. Từ “mỏ vàng” dữ liệu, các tổ chức tín dụng sẽ tiết kiệm được chi phí, nguồn lực trong quá trình thẩm định. Đây cũng là điều kiện để giảm lãi vay tiêu dùng, kích thích người dân vay phục vụ nhu cầu đời sống.