Thúc đẩy giao thương Việt - Mỹ trong tình hình mới
Hai nền kinh tế bổ trợ nhau
Với chủ đề “Nắm bắt cơ hội, thích ứng phát triển trong tình hình mới”, Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ năm 2021 do Bộ Công thương phối hợp với phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (Amcham Hà Nội) và Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Mỹ (USABC) đã được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội.
Diễn đàn được đánh giá là cơ hội quan trọng để các nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước thảo luận thẳng thắn về cách thức thích ứng phát triển, tăng cường trao đổi thương mại và thu hút vốn đầu tư, xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Xuất khẩu nông sản sang Mỹ tăng mạnh trong năm 2021 |
Đồng thời định hướng chính sách mới của Mỹ và cơ hội thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương với Việt Nam... Từ đó, góp phần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng chiến lược tiếp cận, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước theo hướng cân bằng và bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong thời gian qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng. Giai đoạn 2020 – 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, nhưng Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.
“Thành công này đạt được là nhờ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn. Hai nước cũng đang triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để xử lý các vấn đề tồn tại trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Mỹ theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, từ đó đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Kiến tạo khung khổ pháp lý, tăng kết nối
Để bảo đảm cho những tiềm năng trên trở thành hiện thực, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh 2 điểm quan trọng cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Thứ nhất là cần phát huy cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Mỹ (TIFA) để kiến tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại - đầu tư và kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Thứ hai là trong trạng thái “bình thường mới” và trong “bối cảnh mới”, Việt Nam và Mỹ cần tăng cường kết nối, hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại và giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại còn tồn tại thông qua đàm phán nhằm bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng, cũng như tránh gây tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất vốn đã chịu thiệt hại gây bởi đại dịch.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã cung cấp thông tin cập nhật về xu hướng chính sách mới của Mỹ, từ đó đưa ra khuyến nghị, giải pháp và định hướng để doanh nghiệp có thể từng bước định vị và xây dựng chiến lược kinh doanh của mình một cách bài bản, hiệu quả trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen; góp phần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng chiến lược tiếp cận, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước theo hướng cân bằng và bền vững…
Bà Marie Damour, Đại diện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam gợi ý một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên. Đối với lĩnh vực năng lượng, bà Marie Damour cho rằng, doanh nghiệp Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu và giải quyết về vấn đề biến đổi khí hậu, đảm bảo nền kinh tế năng động. Đối với lĩnh vực y tế, Mỹ mong muốn được giới thiệu nhiều công ty mới trong ngành y tế hợp tác đầu tư tại Việt Nam.
Theo bà Marie Damour, trong lĩnh vực thương mại số, Mỹ có thể cung cấp hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghệ như công nghệ điện tử, online treaming… Cùng với đó, trong lĩnh vực hàng không, Mỹ cam kết hợp tác với Việt Nam trong việc xây dựng công nghệ, phát triển sân bay với công nghệ mới nhất…
Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ năm 2021 được các doanh nghiệp đánh giá cao trong việc kết nối, tạo thêm một kênh tư vấn chính sách, trao đổi kinh nghiệm, thông tin thị trường hiệu quả, hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ; đồng thời tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước các giải pháp tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai.