Kết nối giao thương doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và Singapore
Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu, tiếp theo là Na Uy ở vị trí thứ 2, Indonesia xếp thứ 3, Trung Quốc xếp thứ 4, và Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản vươn lên vị trí đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào thị trường Singapore.
Hội nghị kết nối nhằm giúp các doanh nghiệp gặp gỡ cũng như tìm kiếm đối tác Singapore để xuất khẩu hàng hóa vào đất nước này cũng như tận dụng cơ hội giao thương bán sản phẩm cho các nước thương mại với Singapore.
Lãnh đạo VASEP phát biểu tại hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và doanh nghiệp Singapore |
Đại diện cho các doanh nghiệp thủy sản tại hội nghị kết nối, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biết và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam VASEP cho biết, ngành thuỷ sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như việc thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hoá, các thay đổi trong quy định của thị trường EU, suy giảm thị phần xuất khẩu,...
Trong top 4 thị trường dẫn đầu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực với tốc độ tăng trưởng 7%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, EU vẫn gần tương đương với cùng kỳ năm ngoái và xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%. Sự hồi phục chậm và thận trọng của các thị trường này, áp lực cạnh tranh về giá đối với xuất khẩu, hạn chế về nguồn cung, cùng với những khó khăn trong chế biến, sản xuất trong nước như chi phí đầu vào tăng cao, thiếu nguyên liệu tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2024.
“Điều này đặt ra nhu cầu tìm kiếm thị trường nguyên liệu mới, mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại và đầu tư, trao đổi, học tập về phương thức kinh doanh, công nghệ sản xuất với các quốc gia và doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực thuỷ sản trong khu vực và trên thế giới. Và Singapore là thị trường tiềm năng của mặt hàng thủy sản nhất là thủy sản chế biến. Singapore là thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm, nếu doanh nghiệp tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của các FTA thì vào thị trường Singapore dễ dàng. Hơn thế, Singapore rất giỏi trong việc giao thương và đất nước này là trung tâm thương mại lớn nên nếu sản phẩm thủy sản vào đây sẽ có khả năng xuất khẩu vào các thị trường lớn là đối tác của Singapore. Đây cũng là lợi thế của doanh nghiệp thủy sản Việt”, bà Lan nói.
Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và doanh nghiệp thủy sản Singapore trao đổi tìm kiếm đối tác tại hội nghị kết nối giao thương |
Tại buổi kết nối, ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP .Hồ Chí Minh khẳng định đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu nhu cầu của nhau, mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư trong ngành thuỷ sản giữa Việt Nam và Singapore. TP. Hồ Chí Minh, với nhiều khu công nghiệp, chế biến tạo ra những sản phẩm thuỷ sản giá trị cao, chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước và là một trong 5 tỉnh, thành phố xuất khẩu thuỷ sản dẫn đầu quốc gia.
Đây là điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên trong lĩnh vực này. Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh là cơ quan đối ngoại phía Nam của Bộ Ngoại giao, đồng thời là cơ quan triển khai trực tiếp công tác đối ngoại của thành phố. Do đó, Sở luôn quán triệt phương châm của Bộ trong việc lấy người dân, doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ, trong đó, lấy ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm.
“Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, sẵn sàng là cầu nối để hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp Singapore tới tìm hiểu môi trường đầu tư – kinh doanh tại Thành phố và ngược lại, đóng góp tích cực để thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Singapore lên tầm cao mới”, ông Phước Anh nói.
Ông Thắng cũng cho biết, không chỉ ở mặt hàng thủy sản, hiện nay, Việt Nam lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore trong giai đoạn gần đây, chiếm 32,03% thị phần. Ấn Độ, Thái Lan lần lượt giữ 2 vị trí tiếp theo với kim ngạch lần lượt là 33,63 triệu SGD và 33,16 triệu SGD. Cả 3 nước xuất khẩu hàng đầu chiếm 91,21% thị phần gạo tại Singapore.
“Trong tuần, chúng tôi sẽ cùng đoàn doanh nghiệp thủy sản Singapore đến Vũng Tàu, Khánh Hòa để gặp gỡ kết nối trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở các địa phương này. Với việc kết nối giao thương này, phấn đấu đến cuối năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ vị trí thứ 5 sẽ vươn lên vị trí thứ 3 vào thị trường Singapore”, ông Thắng khẳng định.