Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Kinh tế số tại Việt Nam: Đặt nền móng cho tăng trưởng trong tương lai | |
Tên miền ".vn": Nền tảng cho phát triển kinh tế số | |
Chuyển thẻ từ sang chip: Quyết tâm vì sự phát triển của kinh tế số |
Chỉ thị đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2020 là Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Tại Chỉ thị 01, Thủ tướng đặt kỳ vọng “những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045”.
Để kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030, theo Chỉ thị của Thủ tướng, cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Vietnam”. Doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới.
Tại chỉ thị này Thủ tướng cũng chỉ rõ 12 giải pháp để phát triển doanh nghiệp số như xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030… Theo các chuyên gia và giới doanh nghiệp, Chỉ thị 01 của Thủ tướng là một đột phá để thực tiễn hoá mục tiêu trong Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị. Đặc biệt, năm 2020 là năm Việt Nam tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện.
Với mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cứ mỗi 1.000 người dân là phải có 1 doanh nghiệp công nghệ số để thực hiện tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, chuyển giao lắp đặt và ứng dụng công nghệ, nhằm đưa công nghệ số ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp, mọi gia đình.
Trên thực tế, không đợi có chỉ thị, mấy năm gần đây trong cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều doanh nghiệp sớm chuyển đổi số. 70% số doanh nghiệp xác định chuyển đổi số là con đường tất yếu. Nhưng số liệu từ Enterprise cho thấy có 76% doanh nghiệp Việt Nam chưa bắt đầu chuyển đổi số (số này lớn gấp 1,5 lần so với thế giới). Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết những lo ngại, những khó khăn của doanh nghiệp đó là thể chế không theo kịp, thiếu nhân lực, là liệu có còn tiếp diễn tình trạng chủ trương, chính sách không được thực hiện quyết liệt và đồng bộ…
Từ thực tế đó, để chuyển đổi số thành công, theo ông Thắng, doanh nghiệp đang cần trước hết là khung pháp lý mở đường cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hạn chế được rủi ro về pháp lý. Bên cạnh đó là chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số. Quan trọng nhất là cho phép thử nghiệm sản phẩm mới, công nghệ mới của Việt Nam còn vướng về pháp luật chưa có hoặc chưa phù hợp với đổi mới, sáng tạo. Song song là các chính sách hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo và chính sách hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn và sự đầu tư thỏa đáng của Chính phủ về xây dựng hạ tầng công nghệ dùng chung mà chỉ có Nhà nước mới làm được.
Nông nghiệp cũng là lĩnh vực tiềm năng cho chuyển đổi số. Từ thực tế của 5.000 doanh nghiệp nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ, công nghệ số, ông Thân Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, VIDA cho rằng, để phát triển doanh nghiệp số, cần có quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng nền tảng công nghệ và công nghệ số cần có hạ tầng phù hợp và đồng nhất. Đồng thời là tối ưu hóa các nghiên cứu công nghệ phù hợp ứng dụng trong phát triển nông nghiệp số. Đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp ứng dụng nền tảng công nghệ là điều hết sức mấu chốt cần làm để có lực lượng tham gia lĩnh vực then chốt này. Muốn vậy, cần tập trung phát triển nền tảng số trong đó là xây dựng sàn giao dịch công nghệ trong nông nghiệp, xây dựng dữ liệu lớn (big data) cho nông nghiệp để tạo điều kiện cho quản lý và sự chủ động về quy mô sản xuất, giám sát chất lượng nông sản…
Các nước trên thế giới đang chạy đua chuyển đổi số để bước nhanh vào kỷ nguyên số hóa với mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên nền tảng kinh tế số, chính phủ số và công dân số. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc đua này. Tuy nhiên, chuyển đổi số là một quá trình nhanh hay chậm, thành công hay thất bại tùy thuộc chính vào quyết tâm của tất cả mọi người tham gia và tiên quyết là vai trò của người lãnh đạo, phụ thuộc vào mức độ quyết liệt và tốc độ trong thực thi chủ trương, chính sách.
Nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD đóng góp 5% GDP quốc gia, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015.
Kinh tế số ở Việt Nam sẽ chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á, với trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015. Hà Nội và TP.HCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Singapore), với 600 triệu USD đầu tư từ 2018 đến nửa đầu 2019 so với tổng giá trị 350 triệu USD năm 2018 và 140 triệu USD của năm 2017. Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019” |