Chuyển thẻ từ sang chip: Quyết tâm vì sự phát triển của kinh tế số
“Ôn cố tri tân” để thúc đẩy quyết tâm
Dẫn lại thành ngữ đầy triết lý "Ôn cố tri tân" tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 (EPF 2019), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kể lại câu chuyện của một thời cũ để thúc đẩy các bộ, ngành, doanh nghiệp quyết tâm đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt và ứng dụng công nghệ chip trong thanh toán số hiện nay.
"Cách đây 30 năm, ngành bưu điện có 2 việc đáng nhớ: Lúc đó cả thế giới có công nghệ GSM, công nghệ số, những nước trong khu vực như Thái Lan dùng công nghệ tương tự này và sẵn sàng chuyển giao không mất tiền cho Việt Nam. Nhưng Việt Nam đã từ chối để đi thẳng vào Công nghệ GSM 2G. Việt Nam là một trong những nước tiên phong và có kết quả. Liên quan đến công nghệ từ và công nghệ chip, Phó Thủ tướng gợi nhắc: Ngày đó công dân Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh còn nhớ các bốt điện thoại, 1 dạng màu vàng dùng thẻ từ, dạng màu xanh do Đức - Pháp hợp tác dùng thẻ chip. Lúc đó có ý kiến ví von, điện thoại dùng thẻ từ lúc đó tương tự như đánh máy ra rồi photo, gửi thư qua bưu điện, còn điện thoại dùng thẻ chip đánh máy dùng máy fax chuyển đi khắp nơi. Phải chăng bây giờ chúng ta cũng tương tự như vậy?".
Hiện nay, nền kinh tế khu vực Đông Nam Á rất năng động, kinh tế Internet có quy mô 100 tỷ USD, dự kiến tăng gấp 3 lần trong 5 năm tới. Chính vì thế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt không còn đơn thuần như trước đây là nhằm tăng sự luân chuyển đồng vốn trong toàn xã hội, không để đồng tiền bị chết, không chỉ là vấn đề minh bạch chống rửa tiền tham nhũng mà nếu làm tốt thì sẽ thúc đẩy nền kinh tế Internet đi lên.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê gần đây, Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM; trong đó phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ là hoàn có khả năng triển khai rộng rãi.
Bên cạnh những chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương thông qua Nghị quyết, Chiến lược… đã được ban hành, theo Phó Thủ tướng: “Để làm việc này cần sự đồng lòng kêu gọi không chỉ cơ quan nhà nước mà chúng ta cần bàn sâu sát với doanh nghiệp, đây cũng là phần trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước với xã hội. Chúng ta phải thay đổi cả hạ tầng, sẽ là sự tốn kém nhưng nếu cần thiết cho đất nước phát triển thì sự tốn kém ấy về lâu dài bù đắp lại kinh tế xứng đáng. Quan trọng hơn cả đó cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của ngân hàng”.
Đồng lòng hướng đến mục tiêu chung
Theo một số chuyên gia đánh giá, hai lĩnh vực dịch vụ chịu tác động nhiều nhất đến người dân hiện nay là giáo dục và y tế. Chính vì thế để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2025 tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 8% thì việc đẩy mạnh phối hợp giữa ngân hàng, các tổ chức tín dụng với các tổ chức trong hai lĩnh vực này luôn được ưu tiên hàng đầu và nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, toàn ngành y tế hiện có khoảng 30 bệnh viện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng QR code tại bệnh viện. Trong đó, một số bệnh viện đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán chi phí khám/chữa bệnh không dùng tiền mặt, giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán chi phí khám/chữa bệnh.
Đơn cử như Bệnh viện ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong và triển khai hiệu quả thanh toán chi phí khám/chữa bệnh không dùng tiền mặt. Bệnh nhân chỉ cần quét mã QR trên phiếu thanh toán bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện là lập tức có kết quả phản hồi.
Nhìn nhận dưới góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, thay đổi thẻ chip cho khách hàng cũng cần thời gian. Nguyên nhân là do chi phí ngân hàng lớn, đầu tư công nghệ cũ cần có một thời hạn khấu hao, trong khi đó, khi áp dụng thẻ chip, hệ thống về công nghệ phải thay đổi, hệ thống đầu cuối, cây ATM, hệ thống POS phải thay đổi… Đó là những chi phí rất lớn.
Đồng quan điểm, theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, khi chuyển sang thẻ chip, ngân hàng phải thay đổi một loạt máy móc, chi phí phát hành thẻ chip cũng cao hơn thẻ từ rất nhiều. Tuy nhiên, các ngân hàng đều nhận thấy rằng cần thiết phải chuyển đổi và quyết tâm chuyển thẻ từ sang thẻ chip, biến thách thức thành cơ hội.
Còn theo Tổng giám đốc Napas Nguyễn Quang Hưng, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phải diễn ra từ hai phía, ngân hàng phát hành thẻ và nơi cửa hàng bán lẻ, phương tiện thanh toán công cộng, nơi chấp nhận thẻ thì hệ sinh thái mới hoàn chỉnh. Napas định hướng phát triển thanh toán thẻ đều đi trên cả 2 khía cạnh đó.
"Napas cùng các ngân hàng một mặt chuyển đổi thẻ từ sang chip, mặt khác cùng các ngân hàng đi đến các điểm thanh toán để chấp nhận thẻ chip. Điển hình là lễ ký hôm nay đã có xăng dầu, bệnh viện. Toàn dân Việt Nam ai cũng mua xăng dầu, 99% dùng tiền mặt, chủ xe ô tô thường thanh toán 1 triệu đồng, xe máy thì 50.000 - 80.000 đồng khi mua xăng dầu. Trong hạn mức đó , khách hàng sử dụng thẻ contactless không tiếp xúc rất hữu ích, vào bơm xăng chỉ cần chạm cái rồi đi ngay. Đó là những thứ Napas đang cùng ngân hàng đi tìm thị trường lớn như Petrolimex để phổ biến người dân sử dụng thẻ chứ không chỉ đơn thuần là rút tiền", ông Hưng nói.