Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước
Đại diện Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trước đây, sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu đi một số nước châu Âu. Tuy nhiên, thời gian gần đây do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, ít đơn hàng nên Đức Thành bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường trong nước. Những đơn hàng dù nhỏ nhưng bước đầu đã giúp cho doanh nghiệp phần nào bù đắp doanh thu, duy trì việc làm cho người lao động. Nếu như những năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của Gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85-86%, thậm chí có lúc 88% so với tổng doanh thu tại công ty, thì bây giờ doanh nghiệp đặt ra mục tiêu là năm tới, tỷ trọng thu nội địa sẽ tăng lên 20%.
“Để giải quyết khó khăn trước mắt và đa dạng trong cung ứng hàng hóa, công ty đã nhập các loại gỗ phù hợp với thị trường trong nước và từng bước giới thiệu sản phẩm mới. Doanh nghiệp đang dành một phần đáng kể nguồn lực để cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa, coi đây là “phao cứu sinh” trong giai đoạn khó khăn” - đại diện Công ty Đức Thành cho chia sẻ thêm.
Không chỉ Đức Thành mà hiện nhiều doanh nghiệp làm đồ gỗ nội thất xuất khẩu cũng đang tìm cách quay về chinh phục thị trường nội địa, phát triển sản phẩm theo nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Hiện, các sản phẩm đang tập trung vào mảng nội thất khách sạn, văn phòng, bàn kệ học sinh, đồ nội thất gia dụng, tủ bếp, tủ tường… cho thị trường nội địa.
Tương tự, ngành hàng may mặc là một lĩnh vực đi đầu trong việc chinh phục thị trường nội địa. Để duy trì đơn hàng, giữ chân người lao động, hiện nhiều công ty may mặc đang triển khai làm thêm các mẫu mã, sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Các công ty đang chú trọng hơn đến việc đầu tư cho khâu thiết kế, marketing, đầu tư cho quảng bá thương hiệu, chăm sóc các khách hàng nội địa. Đơn cử, một số hãng thời trang trong nước như Tổng công ty May 10, Tổng công ty Ðức Giang, Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng... đã và đang tập trung nghiên cứu, đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng nội địa. Những doanh nghiệp này đã từng bước có được chỗ đứng trên thị trường thời trang Việt.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) định hướng, với quy mô 100 triệu dân, mức sống ngày một gia tăng thì thị trường nội địa cũng là “miếng bánh” hấp dẫn để các doanh nghiệp khai thác, nhất là trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Tuy nhiên, việc khai thác tốt thị trường, quay trở lại “sân nhà” đối với nhiều doanh nghiệp không phải dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự năng động trong việc tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.
“Trong bối cảnh xuất khẩu còn gặp nhiều thách thức, thị trường trong nước cần tiếp tục được chú trọng phát triển mạnh mẽ hơn, giữ vững vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Trong đó, kích cầu sức mua ở thị trường nội địa là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế”, ông Giang nhấn mạnh.
Theo Bộ Công thương, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Trong đó, mục tiêu chủ yếu đặt ra với thị trường trong nước là: Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%; Tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra; Hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định. |