Thương hiệu gạo “Made in Việt Nam” vẫn còn mờ nhạt
Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam ở cả 3 cấp độ Thương hiệu gạo Việt Nam là công cụ tái cơ cấu ngành lúa gạo phát triển bền vững Cần đầu tư bài bản cho thương hiệu gạo |
Gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU hầu hết là gạo thô, chưa có thương hiệu riêng. |
Gạo Việt chưa tạo được chỗ đứng vững chắc
Bà Đỗ Việt Hà - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, một số doanh nghiệp người Việt Nam tại Đức nhập khẩu gạo từ Việt Nam, song khối lượng chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp chủ yếu nhập gạo Thái, Ấn Độ, Campuchia hoặc gạo Việt đã qua chế biến ở Thái để cung cấp cho người Việt tại Đức. Trên thị trường Đức, mặt hàng gạo xuất xứ từ Việt Nam chưa thực sự tạo được chỗ đứng vững chắc. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường Đức đối với mặt hàng gạo tương đối ổn định và có xu hướng tăng. Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu gạo nếu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam xây dựng được thương hiệu riêng, xuất khẩu được gạo chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về môi trường của EU. Gạo sạch và chất lượng cao, bao bì đẹp sẽ là xu hướng của thị trường Đức cũng như EU.
Theo bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada, Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu gạo quan trọng vào Canada (sau Hoa Kỳ, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan), tuy nhiên thị phần rất nhỏ bé. Gạo Việt Nam thời gian gần đây được các nhà nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng, song một số nhà nhập khẩu chưa hài lòng về hàm lượng tấm (vẫn còn khoảng 5%) trong khi các quốc gia khác như Thái Lan có chất lượng xay xát tốt hơn, tỷ lệ tấm gần như 0%.
"Triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới sẽ vẫn rất tích cực nhờ lợi thế về giá so với các mặt hàng cùng loại của các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, khó khăn đáng kể cho xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là việc không có thương hiệu nên người tiêu dùng không nhận biết được để lựa chọn. Quyết định lựa chọn mua gạo của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố giá chứ không phải sự trung thành với thương hiệu", bà Thu Quỳnh chia sẻ.
Ông Phạm Thế Cường - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, Việt Nam luôn nằm trong top 3 những nước cung cấp gạo cho thị trường Indonesia. "Đặc biệt, việc nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia chưa thực sự rõ nét. Tại nhiều siêu thị của Indonesia, gạo Thái lan đã có thương hiệu dễ nhận biết đối với người tiêu dùng", ông Phạm Thế Cường chia sẻ.
Bà Phan Thị Nga - Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, hiện nay gạo Việt Nam chưa tiếp cận được các siêu thị lớn của Hà Lan hay ngay cả những siêu thị Á Châu cũng với lượng ít, nguyên nhân là gạo Thái Lan, Ấn Độ đã tiếp cận thị trường từ rất sớm, được chứng minh về chất lượng ổn định trong một thời gian dài nên đã có chỗ đứng khá vững tại thị trường.
Theo bà Nga, gạo Việt Nam, được chính người tiêu dùng Việt tại Hà Lan phản ánh là có chất lượng không ổn định, giá lại cao hơn gạo Thái, Campuchia nên rất nhiều trường hợp sau khi dùng một hai lần, họ quay lại dùng gạo Thái Lan với chất lượng ổn định, giá tốt hơn.
Tháo gỡ vướng mắc
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU hầu hết là gạo thô, chưa có thương hiệu riêng. Các doanh nghiệp nhập khẩu sau khi nhập gạo của Việt Nam về sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm để bán cho người tiêu dùng, phổ biến như các thương hiệu: Golden Lotus, Buffalo, Green Dragon...
Hiện một số doanh nghiệp Việt đã chú trọng việc xây dựng thương hiệu như Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời mới đây đã hoàn tất việc xuất khẩu gần 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn - “Cơm Việt Nam Rice” - sang thị trường châu Âu. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Xuất khẩu Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời cho biết, “Gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” đã xuất khẩu sang thị trường Pháp, Ðức, Hà Lan. Thương hiệu gạo này sẽ được tiếp tục phát triển vào thị trường Mỹ và các nước khác trong khối EU trong thời gian tới.
Một số đơn vị khác cũng đã xây dựng được thương hiệu như: gạo thơm ST ở Sóc Trăng, Một bụi đỏ Hồng Dân ở Bạc Liêu... nhưng vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Theo ông Lê Thanh Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) từ năm 2018, công bố nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice đã gặp một số khó khăn dẫn đến việc chậm triển khai. Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ phương án tháo gỡ các vướng mắc trên và sử dụng hiệu quả nhãn hiệu gạo Việt Nam.
Theo đó, Bộ đề xuất phương án giao một đơn vị sự nghiệp để quản lý sử dụng nhãn hiệu gạo. Căn cứ Khoản 4, Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ, điều kiện của đơn vị được giao cấp sử dụng nhãn hiệu là tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc, không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó. Ông Lê Thanh Hoà cho biết, Bộ NN&PTNT có thể lựa chọn phương án trình Chính phủ ban hành nghị định về Quy chế sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành Thông tư quy định cụ thể quy chế sử dụng nhãn hiệu gạo, bảo đảm tuân thủ theo Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.