Tiền ảo bùng nổ, mảnh đất cho tội phạm mạng
Việc đồng tiền ảo bitcoin đạt đỉnh khoảng 57.000 USD (tương đương với trên 1,3 tỷ đồng) vào tháng 2 năm nay khiến đông đảo người dùng Việt lao vào cuộc chơi các loại tiền ảo mới.
Tuy nhiên, tiền ảo cũng là cơ hội cho tội phạm mạng. Đơn cử, tháng 5 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố bị can với nhiều cá nhân để điều tra về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị điện tử để chiếm đoạt tài sản. Theo đó, nhóm tội phạm này đã lập bốn sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép là Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss và 15 website khác được sao chép giao diện tương tự giống các sàn forex.
Đồng bitcoin tăng giá trong thời gian qua đã làm nhiều người chạy theo khi Việt Nam vẫn chưa có pháp lý cho các loại tiền kỹ thuật số |
Chúng thu hút được 12.000 tài khoản tham gia với số tiền đầu tư 4,3 triệu USD. Thủ đoạn lừa đảo của chúng là quảng cáo sàn có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, đặc biệt người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao từ 15 - 30% một tháng.
Bên cạnh sự việc trên, mới đây hàng trăm nhà đầu tư có đơn tố cáo bị lừa cả nghìn tỷ đồng khi đổ tiền vào dự án tiền ảo Rohbomine (RBM). Dự án này cũng hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư và vụ việc hiện đã được Bộ Công an giao cho Công an Hà Nội xử lý theo thẩm quyền.
Có thể thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lừa đảo tiền ảo tràn lan trong thời gian qua là do tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng của một phần không nhỏ các nhà đầu tư. Lợi dụng điều đó, những kẻ lừa đảo đã tuyên truyền về các dự án ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain), đồng thời vẽ ra các sơ đồ tài chính hấp dẫn để kích thích các nhà đầu tư không nghi ngờ. Từ đó, chúng tạo ra các phương pháp gian lận, chẳng hạn như lừa đảo để khuyến khích đầu tư.
Bà Võ Dương Tú Diễm - Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào, Myanmar của hãng an ninh mạng Kaspersky cho rằng, có những tội phạm mạng luôn rình rập trực tuyến. Hãy thận trọng khi thấy các email hoặc quảng cáo hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn. Số lượng các vụ lừa đảo được ngụy trang dưới dạng các ứng dụng công nghệ blockchain do tội phạm mạng tạo ra cũng gia tăng. “Vì vậy, điều quan trọng là các nhà đầu tư phải hết sức cảnh giác để bảo vệ số tiền quý giá mình kiếm được trên môi trường trực tuyến”, bà Diễm nói thêm.
Theo các chuyên gia bảo mật, tiền ảo bùng nổ trên toàn cầu đã khiến đông đảo người dùng Việt mơ ước làm giàu nhanh chóng bị lôi kéo cuộc chơi này. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng người dùng phải tìm hiểu thật kỹ thông tin trước khi quyết định tham gia bất kỳ dự án nào được quảng cáo ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain). Nhiều dự án lừa đảo hiện nay đang mạo danh ứng dụng blockchain để giăng bẫy người dùng. Đây chỉ là một chiêu trò lừa đảo bằng kỹ thuật xã hội đơn giản nhưng dễ thu hút người dùng nhờ đánh vào lòng tham của họ. Đặc biệt, ngay cả những dự án có ứng dụng blockchain cũng không hẳn là an toàn tuyệt đối. Theo đó, lừa đảo bằng kỹ thuật xã hội, chiêu trò gian lận vẫn xảy ra với các hệ thống bảo mật cao như blockchain vì những kẻ lừa đảo vẫn có thể lấy được thông tin đăng nhập hoặc thông tin cá nhân của người dùng. Từ đó, tiến hành các hành vi xâm nhập và trục lợi.
Theo các chuyên gia công nghệ, một điều cũng cần được lưu ý, bản thân blockchain là một phương thức dựa trên bảo mật và vẫn có thể chịu nhiều rủi ro khác nhau. Blockchain chứa thông tin nhạy cảm về tài sản và cơ sở hạ tầng của người dùng và doanh nghiệp nên việc cung cấp sự bảo vệ toàn diện là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao ý thức và cảnh giác, người dùng hãy luôn sử dụng các biện pháp để bảo vệ và ví tiền của mình.
Theo số liệu thống kê của Kaspersky, ở khu vực Đông Nam Á trong năm qua có hơn 8,9 triệu cuộc tấn công đào tiền ảo hãng này vô hiệu hoá được nhiều nhất so với các loại tấn công lừa đảo và mã độc tống tiền. Trong đó các cuộc tấn công đào tiền ảo phần lớn đều đến từ Indonesia và Việt Nam tương đương với gần 71% trong số tổng các cuộc tấn công ở khu vực này.