Tiếp sức cùng doanh nghiệp vượt khó
Hỗ trợ cho hàng triệu người dân, doanh nghiệp | |
Để nền kinh tế bật lên sau dịch |
Ngân hàng sớm vào cuộc
Trước áp lực về tài chính ngày càng gia tăng của DN, về phía ngân hàng vẫn kiên trì triển khai các giải pháp đồng bộ hỗ trợ DN. Liên tục từ cuối tuần qua, các ngân hàng tung ra gói tín dụng ưu đãi với quy mô lớn cho DN sản xuất kinh doanh nhất là DNNVV, DN siêu nhỏ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đơn cử, TPBank tung gói ưu đãi lãi suất với mức ưu đãi từ 1,5-2,5%/năm với tổng số tiền lên tới hơn 12.000 tỷ đồng, đồng thời xem xét giảm lãi suất cho vay với các khách hàng đang có dư nợ. Ngay trong tháng 3/2020, TPBank thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục triển khai việc này trong các tháng tới…
Trong tháng 3, TPBank đã thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng |
Cùng với đó các ngân hàng đang vào cuộc tích cực với các giải pháp hỗ trợ thiết thực tháo gỡ khó khăn cho DN. Lãnh đạo một DN du lịch cho biết, các ngân hàng rất quan tâm, đến gặp gỡ doanh nghiệp và tìm hiểu xem xét những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp; ngoài cơ cấu nợ, ngân hàng còn giảm lãi suất.
Chị Vũ Thị Hoa ở tổ 3 - phường Yên Ninh, Yên Bái cho biết, chị vay Agribank chi nhánh tỉnh Yên Bái 8 tỷ đồng đầu tư xây dựng du lịch homestay cộng đồng Mộc An Viên rộng gần 1 ha với lãi suất dài hạn là 9,5%/năm. Từ khi homestay đi vào hoạt động, trung bình mỗi tháng chị thu được 200 triệu đồng, có tháng thu được 400 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 đến nay, lượng khách đến homestay của chị sụt giảm đáng kể, có tháng không có doanh thu. Chưa kể, homestay của chị còn bị ảnh hưởng của trận lốc kèm theo mưa đá vào đầu tháng 3/2020, thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng. Trước những khó khăn và tác động của dịch bệnh, thiên tai, chị Hoa đã được Agribank chi nhánh tỉnh Yên Bái hỗ trợ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và cơ cấu lại nợ. “Đây là sự hỗ trợ cần thiết trong thời điểm này bởi nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì không biết lấy tiền đâu để trải lãi ngân hàng”, chị Hoa bày tỏ.
Agribank cũng vừa tung gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn 0,5% - 1%/năm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 1/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.
Có thể thấy trong những ngày qua các ngân hàng rốt ráo triển khai các giải pháp hỗ trợ DN. Và vấn đề trọng tâm duy nhất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng là bàn cách làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho DN, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, những công việc khác tạm thời gác lại. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, thực hiện quy định tại Thông tư 13, ngân hàng chỉ có một Ủy ban phê duyệt cơ cấu lại nợ bao gồm cả Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc. “Những ngày này Ủy ban căng sức để làm họp phê duyệt từng khoản nợ. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn này, ai cũng phải chia sẻ. Ngân hàng hỗ trợ được gì cũng sẽ làm hết sức”, ông Tùng bày tỏ.
Đầu tuần này, Vietcombank cũng đã tổ chức họp trực tuyến toàn hệ thống để đánh giá việc triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, tổng dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5% - 1,5%/năm so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 112.700 tỷ đồng. Tổng dư nợ của các khách hàng có gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay là trên 8.200 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhiều trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định…
Các chính sách cùng hoà nhịp
Theo các chuyên gia, sự chủ động vào cuộc cùng với các giải pháp đồng bộ của NHNN cũng như các NHTM trong thời gian qua như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn thời gian trả nợ… đã vơi bớt áp lực tài chính cho các DN.
TS. Nguyễn Đức Độ - Viện trưởng Viện Tài chính đánh giá, NHNN đã có chính sách đúng đắn khi hạ lãi suất điều hành, ban hành Thông tư 01 tạo điều kiện cho ngân hàng cơ cấu lại nợ, hoãn, giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất hỗ trợ DN kịp thời. Tuy nhiên, theo TS. Độ những tác động từ chính sách tiền tệ cần có độ trễ và một mình chính sách tiền tệ không thể giải quyết được tất cả những khó khăn của DN hiện nay, nên rất cần sự trợ lực của chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. “Mấu chốt là DN phải bán được hàng. Muốn làm việc đấy giao thương phải sôi động trở lại. Để có được điều này, điều kiện tiên quyết phải là hết dịch”, TS. Độ nhấn mạnh.
Đối với điều hành chính sách tiền tệ, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, những việc gì có thể làm được thì NHNN và các ngân hàng đã nỗ lực làm hết sức mình. Vấn đề quan trọng nhất của DN không phải chỉ hỗ trợ giảm lãi suất, tín dụng mà đó là đầu ra cho sản phẩm, thanh khoản dòng tiền. Điều này, chính sách tiền tệ không thể tham gia được. “Vì vậy, cần phải triển khai đồng bộ các chính sách nhất là tiền tệ, tài khoá… thì ý nghĩa chính sách cũng như độ lan toả mới mạnh hơn tạo sức bật cho DN, nền kinh tế thời hậu Covid-19”, vị này khuyến nghị.
Có quan điểm tương đồng, Giám đốc tư vấn và đầu tư CTCK Kim Eng Phan Dũng Khánh cho rằng, ngoài sự vào cuộc nhanh chóng của hệ thống ngân hàng, các bộ, ngành khác nhanh chóng triển khai, phối hợp một cách nhuần nhuyễn như chính sách tài khóa, thuế cũng như Bộ Công thương hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác, thị trường, nguồn cung ứng. Đặc biệt cần tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại cắt giảm các chi phí đầu vào nhất là thời đại 4.0 cần phải nắm bắt thời cơ này…
Thông tin vui cho các DN, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu gói tài khoá hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Theo chia sẻ của một thành viên góp ý vào gói tài khoá trên, quy mô của gói này khá lớn với nhiều đối tượng thụ hưởng… “Kinh nghiệm trên thế giới, cũng như tại Việt Nam, nếu muốn giải cứu doanh nghiệp thì Chính phủ phải hành động nhanh, quyết đoán và các bộ, ngành phải vào cuộc đồng bộ nhất là vai trò chính sách tài khoá lúc này cần đẩy mạnh hơn nếu không, sự cứu trợ sẽ trở nên quá muộn”, vị chuyên gia trên khuyến nghị.