Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024… |
GDP cao nhất trong quý I kể từ năm 2020
Về tình hình triển khai kế hoạch năm 2024, sau khi điểm lại thuận lợi, khó khăn từ hình hình kinh tế thế giới và khu vực, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nợ công, nợ quốc gia được bảo đảm.
Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024. Quán triệt tinh thần chỉ đạo “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh” của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã khẩn trương, tập trung triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, phấn đấu hoàn thành tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ và khối lượng công việc lớn đặt ra để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm và các công việc đã triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có thể khái quát thành 12 kết quả nổi bật và 5 hạn chế khó khăn trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 và cao hơn kịch bản điều hành của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,93% so với cùng kỳ. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, chủ động có biện pháp can thiệp, bảo đảm cân đối hài hòa với điều hành lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Quy mô gói tín dụng hỗ trợ cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản được nâng lên 30.000 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện trong năm 2024.
Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài được bảo đảm. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng 15,2%, 15% và 15,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… tăng trưởng cao; ước xuất siêu 8,4 tỷ USD.
Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn FDI thực hiện đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%. Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… Giải ngân vốn đầu tư công đến 30/4/2024 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%), đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi tích cực trong những tháng đầu năm nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức trước những biến động của tình hình của thế giới, khu vực. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn do khô hạn, xâm nhập mặn tăng cao.
Cầu tiêu dùng trong nước tính chung 4 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019. Áp lực cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm, có hơn 86,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Đầu tư khu vực tư nhân phục hồi còn chậm. Tăng trưởng tín dụng chưa cao, tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn.
Ngành hàng không tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn; giá vé máy bay tăng cao, nhất là trong dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của người dân. Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát, vật liệu san lấp nền; việc cấp phép các mỏ cát mới còn chậm, gặp nhiều vướng mắc.
Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm. Tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ, gần cận dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (4,0-4,5%). Tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.
Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng, đến cuối tháng 2 là 4,92%. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, khối lượng phát hành 4 tháng giảm 43,4% so với cùng kỳ năm 2023; áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn. Hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) liên tục lùi thời hạn triển khai. Thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý. Quản lý thị trường vàng vẫn còn bất cập.
Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc có nơi còn chưa nghiêm…
Ưu tiên thúc đẩy mạnh tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả, toàn diện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ; chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, kịp thời tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền, nhất là những vấn đề mới phát sinh. Trong đó, tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy mạnh tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, sẵn sàng can thiệp vào biến động tỷ giá trong trường hợp cần thiết, cân đối hài hòa giữa điều hành lãi suất và tỷ giá; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; quản lý thu ngân sách chặt chẽ, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, quản lý thu thuế thương mại điện tử; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội.
Thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; huy động và sử dụng hiệu quả khoản vay ODA 2,5 tỷ USD cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.
Phát triển mạnh thị trường trong nước; chủ động thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng vệ thương mại, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Tăng cường nắm tình hình giá cả thị trường, có giải pháp điều hành phù hợp để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Trung ương Đảng, Quốc hội đã đề ra.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy hiệu quả các FTA đã ký kết, thúc đẩy ký kết FTA với các thị trường mới; tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa và đáp ứng kịp thời các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh của thị trường xuất khẩu.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến thực chất trong việc cung cấp dịch vụ công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, bến cảng, đường cao tốc, đường gom, nút giao kết nối, dự án có tính liên vùng, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở, xâm nhập mặn, dự án hạ tầng đô thị, chuyển đổi số…
Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế…