Tìm đường cho startup Việt vượt thách thức mùa dịch
Khởi nghiệp sáng tạo cần nhanh và gọn để vượt thách thức mùa dịch |
Vấn đề được các chuyên gia nhìn nhận, đánh giá tại buổi hội thảo Khởi nghiệp trong đại dịch COVID-19: Thách thức và cơ hội cho startup Việt diễn ra ngày 4/10 do Công ty Cổ phần Việt Lotus và IDG VietNam phối hợp tổ chức.
Dấu ấn hành lang pháp lý
Nhìn lại chặng đường sau 5 năm khởi xướng quốc gia khởi nghiệp, ông Trần Vũ Tuấn Phan, Quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khoa học công nghệ (Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo) đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã trưởng thành hơn, hành lang pháp lý được hoàn thiện và có những bước tiến rất lớn. Nếu như năm 2016, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là 1.500 thì đến cuối năm 2020 Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xếp thứ tư khu vực Đông Nam Á...
Một dấu ấn nữa với lĩnh vực starup là về hành lang pháp lý. Theo số số liệu thống kê, từ năm 2015 đã có một số startup gọi vốn được 200 triệu đồng, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng hợp đồng ký kết vẫn còn lỏng lẻo, các doanh nghiệp phải đi khắp nơi để bảo vệ quyền lợi của mình. Đến năm 2016, với một loạt chương trình như Đề án 844 của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn, một số chương trình của Bộ Khoa học Công nghệ... đã tạo ra "cú hích" rất lớn cho các startup. Một số vướng mắc về bảo vệ quyền cho nhà đầu tư cũng như startup khi hợp tác với nước ngoài đã có những cơ chế ban đầu để gỡ "nút thắt".
Bên cạnh đó, môi trường để nâng cao kỹ năng, kiến thức cho startup thông qua các chương trình đào tạo, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm... đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan. TS. Phạm Văn Hồng, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách Khoa học công nghệ cho biết, từ 10 năm nước thông qua các chương trình quốc tế của World Bank, MeKong Capital... đã vào Việt Nam triển khai các chương trình trang bị kiến thức, kinh nghiệm, xây dựng mô hình bài bản cho cộng đồng khởi nghiệp.
Năm vừa qua, sau thời gian triển khai đề án đào tạo khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc của Chính phủ đã mang lại những tín hiệu tích cực như đưa đào tạo khởi nghiệp vào các chương trình giảng dạy chính thức, tỷ lệ đào tạo chính thức đạt từ 15-30% và có đến 80% các trường có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Các diễn giả thảo luận tại tọa đàm |
Gợi mở giải pháp hỗ trợ startup
Dù có gặt hái được nhiều thành quả nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn cho startup, nhất là những tác động từ dịch COVID-19. Ông Lữ Vincent Thế Hùng, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Đầu Tư & Công Nghệ A. Yersin cho biết, thực tế các startup đã hoạt động rất mạnh mẽ trong thời gian trước nhưng đã chậm lại bởi COVID-19. Đa số các startup thích làm việc chung với nhau để cùng bàn luận, giải quyết vấn đề thì đến nay phải làm trực tuyến đã ảnh hưởng đến chất lượng làm việc. Đặc biệt, chi phí ảnh hưởng rất lớn đến startup khi chỉ có nguồn chi mà không có nguồn thu. Nhân sự là các F1-F0 phải đi cách ly ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ và hiệu quả.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, khó khăn của startup gặp phải nhiều nhất là không bán được hàng, trong khi ý tưởng rất hay, có kinh nghiệm về công nghệ. Trong khi đó, khi nói về khởi nghiệp, suy cho cùng vẫn là phải bán được ý tưởng kinh doanh của mình. Muốn bán được hàng ngoài năng lực, sở trường thì kiến thức nền tảng là quan trọng và chuyên nghiệp nhất mới thành công.
Để các startup phát triển đúng hướng và nhận được hỗ trợ phù hợp thì cần xác định đúng mô hình hoạt động. Bởi, khi nhắc đến startup mọi người hay nhắc đến các “kỳ lân" mà vô tình không nhắc đến một mô hình rất phổ biến tại Việt Nam là “con gián". Thực tế đã chứng minh các startup “con gián" đã tận dụng tối đa lợi thế nhỏ, nhanh để dễ thích ứng với hoàn cảnh và phát triển bất chấp những tác động từ dịch COVID-19.
Tuy nhiên, đi theo mô hình này không phải dễ mà phải đáp ứng đủ 11 điều mới có thể thành công. Ông Lữ Vincent Thế Hùng chỉ ra rằng, startup cần phải tính toán chi phí ngay từ lúc bắt đầu; từ những ý tưởng nhỏ để thay đổi kết quả kinh doanh; luôn quan tâm đến người dùng để nhân rộng quy mô. Nếu là người sáng lập kỹ thuật thì dừng ngay việc bán hàng và mời chuyên gia tư vấn; cần một đội hình siêu nhỏ, tinh gọn từ 4-5 người; thời gian là vàng, làm việc tập trung, chất lượng bao nhiêu thì sẽ nhận được bấy nhiêu tiền; thực chiến là tố chất của người làm kinh doanh, trang bị thực chiến sẽ giúp tư duy làm việc tốt hơn.
Đến nay các mô hình vườn ươm khởi nghiệp cũng phát huy tốt vai trò của mình. Bà Tô Thùy Dương, Phó Giám đốc Vườn ươm Khởi nghiệp, Công ty Cổ phần Viet Lotus cho rằng, các startup đang gặp hai khó khăn lớn là tiếp cận thị trường và cơ chế chính sách. Hiện tư duy bán hàng của startup vẫn giống các doanh nghiệp truyền thống nhưng thị trường đã có cách tiếp khác rất xa.
Vì vậy, đơn vị đã tập trung vào các phương pháp, công cụ tiếp cận thị trường bằng những tư vấn của người đã khởi nghiệp thành công và có kinh nghiệm. Đồng thời, tạo cơ hội cho các startup tiếp cận người dùng tiềm năng, thực hiện mục tiêu xây dựng hệ sinh thái kết nối… để kiểm thử, thay đổi tư duy và tiếp cận thị trường. Về cơ chế chính sách, đơn vị cũng hỗ trợ startup liên hệ gặp mặt, tham gia đối thoại để các Bộ, ban ngành tháo gỡ khó khăn.
Bàn về cơ hội của startup trong thời gian tới, ông Trần Vũ Tuấn Phan cho rằng, trước mắt hiện nay, toàn bộ nguồn lực của hệ thống chính trị đang dồn sức để phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong các giai đoạn tiếp theo, hành làng pháp lý cho startup sẽ tiếp tục hỗ trợ đúng và trúng cho startup hơn, nghĩa là chính sách sẽ tìm được các startup có công nghệ lõi tốt, sản phẩm công nghệ thực sự… để hỗ trợ đúng. Đây cũng chính là cơ hội của startup.