Tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng tín dụng
Tăng trưởng tín dụng |
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Hùng:
Ngân hàng đang "thắp đèn" tìm khách hàng vay vốn
Thực tế bối cảnh hiện tại, vốn ngân hàng không thiếu, chỉ tiêu tín dụng xông xênh, vấn đề quan trọng nhất thời điểm này chỉ là thiếu khách hàng đủ điều kiện tiêu chí vay vốn. Đó cũng là lý do ngay từ đầu năm NHNN triệu tập tất cả các TCTD tham gia Hội nghị để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất không còn là vấn đề với người vay |
Ngân hàng là Ngành đi đầu lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Nhưng phải khẳng định rằng, vốn tín dụng là vốn bổ sung không phải là chủ lực. Hiện tại sức hút của nền kinh tế chưa đáp ứng được kỳ vọng nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vốn ngân hàng phát triển. Thực tế là ngân hàng đang "thắp đèn" tìm khách hàng đủ điều kiện cho vay. Trong khi bản thân ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Có khách hàng vay vốn, khi đến kỳ trả nợ đã công khai không trả, thậm chí thành lập nhiều hội nhóm bùng nợ khiến thu hồi nợ rất khó khăn. Nợ xấu tăng cao, rủi ro về pháp lý lớn, ngân hàng không thể cứ "đẩy" vốn ra, nhất là cho vay không có tài sản đảm bảo (TSĐB). Ngay cả cho vay có thế chấp TSĐB chưa chắc ngân hàng đã thu hồi được do còn thiếu hành lang pháp lý bảo vệ người cho vay. Thực tế hiện nay nhiều trường hợp ngân hàng bị tòa án tại một số tỉnh xử ép khi có tranh chấp tài sản. Chính vì vậy, ngân hàng không yên tâm và thận trọng khi cho vay vốn.
Để giải bài toán tăng trưởng tín dụng, chỉ mình sự nỗ lực của ngành Ngân hàng là chưa đủ, cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các giải pháp, cũng như tháo gỡ các khó khăn về pháp lý để kích cầu tiêu dùng trong nước, từ đó mới thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả.
NHNN nên xem xét gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN thêm từ 6-12 tháng. Bởi thực tế cho thấy, năm 2024 nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, do vậy, việc kéo dài Thông tư 02 là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng:
Lãi suất không còn là vấn đề đối với người vay
Hiện mặt bằng lãi suất đã giảm (cả huy động và cho vay) trở về mức thấp so với trước Covid-19. Mức giảm sàn lãi suất cho vay so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 3 - 4%/năm tùy đối tượng. Ngay từ đầu năm 2024, Agribank đã triển khai gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho vay cá nhân; đồng thời đẩy mạnh cho vay xuất khẩu, với mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp tối đa 2,5%/năm so với mức lãi suất thông thường tại Agribank. Do đó, hiện mặt bằng lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay.
Thông thường quý đầu năm, tín dụng khó tăng cao, do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Đáng chú ý trong bối cảnh thị trường hiện nay thì người dân và cả nhà đầu tư cũng chưa chú trọng đầu tư khi các kênh đầu tư còn trầm lắng mà vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Thường vào đầu năm thì dư nợ tín dụng sẽ giảm mạnh, nhưng cuối năm vào vụ sẽ tăng. Tổng giám đốc Agribank cho rằng, khả năng tới quý III và quý IV/2024 mới có sự phục hồi rõ rệt.
Trong năm 2024, Agribank sẽ tiếp tục điều hành lãi suất huy động tương đồng với nhóm NHTM Nhà nước góp phần bình ổn tâm lý thị trường. Đồng thời chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay và tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi hướng đến các nhóm khách hàng mục tiêu hoạt động trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Agribank cam kết tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng. Để đạt hiệu quả cao, ngoài sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương trong công tác giải quyết các vấn đề về pháp lý đối với các dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Phó Tổng giám đốc phụ trách ban điều hành VietinBank Đỗ Thanh Sơn:
Tín dụng giảm do cầu vốn của doanh nghiệp yếu
Điểm nghẽn chính trong tăng trưởng tín dụng đó là sự giảm sút trong nhu cầu hấp thụ vốn của doanh nghiệp do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Để tháo gỡ khó khăn tín dụng, VietinBank đề xuất một số giải pháp tới các bộ ngành và các địa phương.
Thứ nhất, có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; tiếp tục có các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Thứ hai, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đa dạng hóa nguồn cung - đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thứ ba, thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống TCTD cũng như toàn nền kinh tế. Trên cơ sở hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN giao, VietinBank cam kết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Phó Tổng giám đốc BIDV Trần Long:
Rủi ro tăng ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp
Tổng dư nợ của toàn hệ thống BIDV đến thời điểm hết tháng 1/2024 đạt 1,725 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 1,25% so với cuối năm 2023, đây là mức giảm thường lệ như những năm trước. Nguyên nhân chính khiến tín dụng giảm trong những tháng đầu năm là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu; và dự báo sẽ còn nhiều khó khăn thách thức trong cả năm 2024.
Các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân tăng chậm; hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên, trong khi thị trường đầu ra còn khó khăn. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1 năm 2024 tăng 2,2% so với tháng trước. Nhưng số doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh tăng 25% so cùng kỳ. Năng lực tài chính của doanh nghiệp bị giảm sút, khả năng chịu đựng yếu, cũng như nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu, điện, đối mặt với rủi ro về mặt pháp lý. Điều này dẫn đến quy mô nợ xấu gia tăng và tỷ lệ bao trùm nợ xấu tại các ngân hàng giảm, các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hạn trong năm 2024 nên áp lực trả nợ khi đến hạn sẽ rất lớn.
Nhiều doanh nghiệp có khả năng quản trị thấp, sức khỏe yếu, có sự đan xen các báo cáo tài chính giữa văn bản và thực tế không đồng nhất, dẫn tới nhiều khó khăn trong đánh giá và cấp tín dụng cho các doanh nghiệp này còn khó. Trong khi đó, tình trạng một doanh nghiệp vay vốn của nhiều TCTD khác nhau khá phổ biến. Bên cạnh đó, giá trị TSĐB sụt giảm thì xử lý nợ xấu càng khó khăn hơn do thanh khoản thị trường BĐS giảm sút.
BIDV đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý để hỗ trợ ngân hàng trong việc cấp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế; có thêm các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm môi trường kinh doanh mới. Bên cạnh đó, cho phép BIDV tăng vốn bằng lợi nhuận để lại, từ đó tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế. Ngoài ra xem xét chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các cam kết dự án BOT đã ký với TCTD và nhà đầu tư. Từ đó tạo ra niềm tin tiếp tục tham gia tài trợ cho các dự án của địa phương.
Hiện nay chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP hết hiệu lực, BIDV kiến nghị với Chính phủ xem xét, chuyển phần còn lại sang các chương trình hô trợ khác cho khách hàng như miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp…
Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh:
Khó đòi nợ, ngân hàng không dám cho vay
Mặc dù nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển song tập trung ở nhóm doanh nghiệp nước ngoài, các dự án lớn, đầu tư công. Trong khi khu vực kinh tế tư nhân, số doanh nghiệp tư nhân có đủ sức phát triển rất ít, còn lại đang rất kiệt quệ. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, nhất là các NHTMCP.
Không chỉ doanh nghiệp, tín dụng bán lẻ của tất cả các ngân hàng đều giảm, vậy nguyên nhân là do đâu? Hiện nay, nhiều ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất chỉ còn 5,9%/năm. Nên lãi suất không còn là vấn đề đau đầu nữa. Báo cáo của các ngân hàng cho thấy, lãi suất bình quân hiện nay rất thấp. Song có những nhóm phân khúc rủi ro cao hơn, các ngân hàng phải giữ lãi suất ở mức độ hợp lý. Do vậy, không nên đưa ra yêu cầu tất cả đều phải giảm lãi suất.
Trong năm qua có thể thấy các biện pháp hỗ trợ từ phía ngân hàng rất nhiều. Thời gian tới, để hỗ trợ cả ngân hàng và doanh nghiệp, nền kinh tế, ngoài tiếp tục gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đến tháng 6/2025 với các điều kiện hợp lý, VPBank đề nghị NHNN tiếp tục làm đầu mối để làm việc với các cơ quan liên quan hỗ trợ các TCTD trong công tác thu hồi nợ. Thu hồi nợ của các ngân hàng hiện nay rất khó khăn, nhất là thu hồi nợ tiêu dùng sụt giảm mạnh như FECredit giảm tới 50%, nhiều cán bộ thu hồi nợ bỏ việc… Các công ty thu hồi nợ bên ngoài tê liệt hết, hậu quả là tín dụng đen tăng lên. Chính sách không đồng bộ sẽ tác động rất mạnh đến lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Do vậy, đề nghị tiếp tục tháo gỡ, siết tín dụng đen các hình thức kinh doanh bất hợp pháp, song cũng hỗ trợ các TCTD, các ngân hàng trong hoạt động thu hồi nợ.
Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng:
Ngân hàng khai thác lĩnh vực thế mạnh thúc đẩy tín dụng
Ngân hàng có những thế mạnh nhất định trong cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên… Đơn cử trong cho vay lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như gạo, điều, tiêu… Những ngày giáp Tết vừa rồi, ngân hàng cũng rất bận rộn phát hành các L/C bảo lãnh để cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tham gia đấu thầu ở Indonesia. Dự kiến, ngay trong quý I/2024, TPBank giải ngân cho doanh nghiệp để thu mua gạo xuất khẩu theo các chương trình của chính phủ Indonesia hay Philippines. Một số các mặt hàng nông sản khác như điều, tiêu, cà phê... đang có giá tốt, ngân hàng cũng đang đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực này.
Ngân hàng cũng phát triển thế mạnh cho vay trên nền tảng số. Không chỉ vay với lãi suất dễ chịu, khách hàng cũng có thể sử dụng các dịch vụ của ngân hàng trên rất nhiều nền tảng khác nhau để mua hàng hóa cũng như tiếp cận các khoản tín dụng. Tôi tin rằng những giải pháp như vậy có thể đẩy nhanh tín dụng trong thời gian tới.
Tuy nhiên hiện nay, cho vay tiêu dùng của các ngân hàng có vẻ bị co cụm lại do nợ xấu cao và công tác thu hồi nợ bị hạn chế. Nhiều người vay chây ỳ, không trả nợ, hoặc lập các hội nhóm tìm cách trốn nợ. Điều này làm cho ngân hàng dè dặt trong việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, vì nếu không thu hồi được nợ thì thà rằng không cho vay còn hơn.
Theo tôi, trong thời gian tới, các bộ, ngành đặc biệt là các cơ quan pháp luật cần ủng hộ các ngân hàng trong việc xử lý và thu hồi nợ một cách quang minh, chính đại theo đúng quy định của pháp luật. Mặc khác, có thể đẩy mạnh cho vay trên các kênh số, tiếp cận được nhiều người dân hơn.
Một giải pháp nữa là đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, dữ liệu về căn cước công dân gắn chip. Khi liên kết trực tiếp dữ liệu của Bộ Công an, việc cho vay yên tâm hơn cũng như tạo điều kiện cho công tác thu hồi nợ được thuận lợi hơn.