Tìm “lối ra” cho gói hỗ trợ lãi suất 2%
Ưu tiên hỗ trợ lãi suất cho sản xuất kinh doanh | |
Tháo gỡ cho gói hỗ trợ lãi suất 2% | |
Nhu cầu hỗ trợ lãi suất 2% sẽ tăng |
Vì sao chương trình hỗ trợ lãi suất chưa đạt như kỳ vọng?
Theo số liệu thống kê mới nhất của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam), tính đến cuối tháng 12/2022, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đạt hơn 52.000 tỷ đồng; dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 35.000 tỷ đồng; số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 135 tỷ đồng, cho hơn 1.700 khách hàng. Có thể thấy, so với mục tiêu đề ra, kết quả hỗ trợ vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo NHNN, mặc dù ngành Ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương, kết quả triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất còn thấp. Nguyên nhân do một số vướng mắc: Qua rà soát của các NHTM, trong số các khách hàng đáp ứng điều kiện được hưởng hỗ trợ lãi suất, chỉ có 7% khách hàng nộp hồ sơ (đã được hỗ trợ lãi suất) và đang hoàn thiện hồ sơ; 26% khách hàng chưa có phản hồi; và 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất.
Nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2% đã sẵn sàng nhưng “lối ra” còn hẹp |
Giải thích nguyên nhân không mặn mà với gói hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp cho biết họ e ngại nhất là các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, nhưng sau đó đã chủ động hoàn trả cho ngân hàng toàn bộ tiền lãi được hỗ trợ. Trong khi đó, khoảng 87% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng điều kiện là do quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến điều kiện khách hàng “có khả năng phục hồi”, dẫn tới việc khách hàng khó tiếp cận chính sách. Bởi lẽ, bản thân khách hàng dù có khả năng trả nợ song cũng không dám khẳng định có khả năng phục hồi trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước diễn biến phức tạp, chi phí sản xuất gia tăng, áp lực lạm phát… Cùng với đó, nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các NHTM không đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên cũng không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Đối với các ngân hàng, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, ít nhiều các nhà băng vẫn còn tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được quyết toán. Chưa kể đến tâm lý lúng túng trong việc xác định chính xác đối tượng được vay, cho vay với số lượng bao nhiêu, kỳ hạn thế nào và khâu quyết toán cũng phức tạp vì không có lực lượng theo dõi riêng. Các ngân hàng không thấy mặn mà vì chứng từ hoá đơn quyết toán vô cùng nhiều và phức tạp.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, trong bối cảnh thanh khoản rất khó khăn, doanh nghiệp chỉ cần nguồn vốn là quý, thực tế lãi suất được giảm không còn quá quan trọng. Thay vào đó, doanh nghiệp mong muốn chính sách lãi suất sẽ ổn định hay nếu có thì hỗ trợ trực tiếp hoặc giảm thuế.
Gỡ nút thắt từ đâu
Chính sách hỗ trợ lãi suất được kỳ vọng sẽ là “phao cứu trợ” để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại, tuy nhiên việc triển khai trên thực tế lại chưa được như mong muốn do có nhiều vướng mắc, bất cập nêu trên. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP là vô cùng cần thiết. Có ý kiến đề xuất, để tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong việc triển khai, cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, nên sửa các quy định về đối tượng và điều kiện vay vốn theo hướng khách hàng chỉ cần đáp ứng các quy định hiện hành về điều kiện cho vay của TCTD với khách hàng là đủ.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đề xuất sửa đổi này là hợp lý và nên trao quyền nhiều hơn cho TCTD. Nếu doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tiếp cận tín dụng ngân hàng thì sẽ được hỗ trợ. Điều đó đồng nghĩa với việc mở rộng cả đối tượng và phạm vi hỗ trợ. Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để cho vay nhưng để khơi thông được gói hỗ trợ, cần có quy định mở rộng đối tượng cho vay. Cùng với đó, có thể sử dụng nguồn lực từ gói hỗ trợ này cho các chính sách khác khả thi hơn. Một phương án khác là trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết của chương trình này sang các nhiệm vụ chi/các hình thức hỗ trợ khác. Ví dụ, các chương trình cho vay hỗ trợ khôi phục kinh tế thông qua NHCSXH. Trong đó có chương trình cho vay giải quyết việc làm hiện đang giải ngân rất tốt và nguồn vốn này sẽ được thu hồi khi các khoản vay đến hạn trả.
Phản hồi đề nghị của NHNN về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31, đồng thời, trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, minh bạch hoá các quy định, quy chế trong cho vay hỗ trợ lãi suất chính là tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ. Đơn cử như, trong thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền một phần nguyên nhân là do các quy định về kiểm tra và giám sát chưa thực sự rõ ràng.
Đối với vấn đề hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh, hiện nay Nghị định 01/2021/NĐ-CP đang miễn đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong khi đó, Điều 2.2.a của Nghị định 31 đang yêu cầu hộ kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phải có đăng ký kinh doanh thì mới được hưởng hỗ trợ lãi suất. Quy định này vô hình trung đã loại bỏ gần như toàn bộ các hộ kinh doanh nông nghiệp ra khỏi diện được hưởng ưu đãi lãi suất, trong khi đây lại là lĩnh vực phát triển tương đối bền vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động như hiện nay.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án riêng đối với các hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp được phép tiếp cận hỗ trợ lãi suất mà không cần có đăng ký kinh doanh.