Ưu tiên hỗ trợ lãi suất cho sản xuất kinh doanh
Agribank “chia lửa” với khách hàng | |
Ngân hàng kịp thời hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh | |
Tháo gỡ cho gói hỗ trợ lãi suất 2% |
Thông tin tại buổi tọa đàm chủ đề “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do Báo Người lao động tổ chức tại TP.HCM ngày 6/2, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết trong năm 2023, ngành Ngân hàng TP.HCM sẽ tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên. Mục tiêu là ưu tiên dành nguồn vốn lãi suất thấp kịp thời đến tay các doanh nghiệp mọi lĩnh vực.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM phát biểu tại tọa đàm. |
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Lệnh cho biết, ngành Ngân hàng TP.HCM sẽ đẩy mạnh 3 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất là chỉ đạo, khuyến khích hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng bám sát các chương trình tín dụng ưu tiên, ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (bao gồm doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) với mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa (bằng tiền đồng) không quá 5,5%/năm.
Thứ hai, NHNN chi nhánh TP.HCM sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tổ chức triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN. Trong đó, tập trung mạnh hỗ trợ tối đa cho các nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh những năm vừa qua để tạo cơ hội phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nhóm giải pháp thứ ba là ngành Ngân hàng TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với từng nhóm doanh nghiệp, nhóm ngành nghề để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương theo đặc thù từng ngành nghề, từng thời điểm và nhu cầu vốn.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, ông Lệnh cho biết nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng tại TP.HCM trong năm nay vẫn sẽ tiếp tục đồng hành, ưu tiên cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp và cho vay đối với người mua nhà.
Theo số liệu của NHNN chi nhánh TP.HCM, năm 2022 dư nợ tín dụng bất động sản chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 16% - cao hơn mức tăng trưởng chung của thành phố là 13,8%. Trong đó, cho vay tiêu dùng, cho vay mục tiêu tự sử dụng, cá nhân vay mua nhà… chiếm khoảng 70%. Vì thế, nguồn tín dụng ngân hàng vẫn đang là nguồn vốn quan trọng trong việc phát triển thị trường nhà ở, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu vốn của người mua nhà tại phân khúc cấp thấp.
Trong năm 2023, ngành Ngân hàng TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi 2% đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân. Tuy vậy, cả tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đều phải phải tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, trong đó gồm cả doanh nghiệp bất động sản thông qua việc triển khai những dự án hiệu quả; các dự án nhà ở xã hội, dự án xây dựng nhà ở cho thuê…
“Với những định hướng này và cùng với kinh nghiệm thực tiễn gói 30.000 tỷ đồng trong quá khứ kỳ vọng sẽ có sự đột phá trong thị trường bất động sản trong thời gian tới”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Về phía ngân hàng thương mại, ông Trương Đình Long, Phó Tổng giám đốc OCB cho biết, trong năm nay, ngân hàng này cũng sẽ tập trung nhiều hơn cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Hiện OCB đã dành ra khoảng 25.000 tỷ đồng để thúc đẩy cho vay nhóm khách hàng này trong năm 2023. Mức lãi suất ngân hàng cho vay được thiết kế giảm khoảng 1,5-2% so với các mức lãi suất cho vay thông thường trên thị trường, dao động khoảng 8-12% (cho vay trung dài hạn). Quá trình vay vốn sẽ có sự kết nối giữa các chi nhánh ngân hàng với các hiệp hội ngành hàng, từ đó chọn lọc các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có khả năng phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh.