Tín dụng chính sách: Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương
Tín dụng chính sách ngày càng sát sườn | |
Tín dụng ưu đãi: Đòn bẩy thoát nghèo cho đồng bào thiểu số |
Trình bày tóm tắt nội dung đề tài nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài TS. Trần Hữu Ý cho biết, đồng bào các DTTS ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 15% tổng dân số cả nước, nhưng lại chiếm đến hơn 50% tổng số hộ nghèo và thu nhập bình quân chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Mặc dù tỷ lệ nhỏ trong tổng dân số, nhưng các dân tộc ít người hầu hết sống ở những vùng xa, vùng biên giới, giữ một vị trí chiến lược hết sức quan trọng của đất nước.
Đồng vốn tín dụng chính sách đã giúp bà con DTTS thoát nghèo và tự tin hơn trong cuộc sống |
Do sinh sống tại các địa phương xa xôi hẻo lánh, giao thông cách trở, đời sống của đồng bào DTTS gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, kinh tế phát triển chậm. Để giúp đồng bào các DTTS cải thiện cuộc sống, hội nhập với xu hướng phát triển chung của cả nước, đồng thời, đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị quốc gia, Đảng, Nhà nước đã và đang ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng DTTS như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa; chínhsách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn...
Những chính sách trên có tác động rất lớn đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng dân tộc, đời sống đồng bào DTTS từng bước được cải thiện.
Trong xu hướng chung đó, là ngân hàng được Chính phủ giao cho thực hiện chương trình tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong đó có đồng bào DTTS, cho đến thời điểm này, bên cạnh 3 chương trình tín dụng dành riêng cho đồng bào DTTS, hiện nay NHCSXH đang thực hiện cho vay 16 chương trình, dự án tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trong đó bao gồm cả hộ đồng bào DTTS.
Theo đánh giá của TS. Ý, nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS tại NHCSXH đã đầu tư cho gần 100% hộ đồng bào DTTS tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tại vùng sâu, vùng xa, có những hộ đã vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng chính sách. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế hộ gia đình DTTS nói riêng và hộ nghèo nói chung như tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển sản xuất...
Đồng vốn chính sách đối với đồng bào DTTS đã giải quyết được những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống đồng thời giúp hộ đồng bào DTTS nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, làm thay đổi nhận thức của bà con các DTTS, giúp họ tự tin hơn và tăng vị thế trong xã hội, giảm bất bình đẳng giới; giúp đồng bào DTTS nâng cao được trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để vươn lên thoát nghèo, giảm hẳn nạn cho vay nặng lãi... Kết quả này đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và chính hộ vay ghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đạt được, nhóm nghiên cứu nhận thấy, các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS vẫn còn có những khó khăn, tồn tại làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Những khó khăn tồn tại này xuất phát cả từ phía bên cho vay lẫn người đi vay và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đơn cử, về phía NHCSXH còn thiếu các nguồn vốn có thời hạn dài, lãi suất thấp để đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách nói chung và của hộ đồng bào DTTS nói riêng nhằm hỗ trợ giảm nghèo bền vững ảnh hưởng đến hiệu quả.
Về phía người cho vay, nhiều hộ vay có trình độ học vấn và năng lực rất hạn chế chưa biết cách quản lý và sử dụng vốn vay, nên hiệu quả sử dụng vốn thấp, ít cải thiện được thu nhập và tiềm ẩn nguy cơ mất vốn, khó trả nợ đúng hạn. Về phía các cơ quan, tổ chức có liên quan: Việc bố trí nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS đôi khi còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch được duyệt.
Để tháo gỡ những bất cập trên, bà Nguyễn Phú Hà - đại diện Trường Đại học kinh tế quốc dân cho rằng, vấn đề đào tạo kiến thức tài chính cho đồng bào DTTS là rất quan trọng, bởi đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho việc sử dụng vốn của người DTTS chưa hiệu quả như mong muốn.
Cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục tài chính đối với người dân, nhất là DTTS, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Quỹ Tín dụng nhân dân cho rằng, cần phải nghiên cứu xây dựng phương án giáo dục tài chính cho từng vùng miền phù hợp với đặc thù văn hóa, kinh tế - xã hội địa phương. Chỉ có như vậy chính sách mới đạt hiệu quả cao hơn.
Khẳng định Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình phát triển kinh tế như xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp... và đang được triển khai mạnh mẽ tại các địa phương. Tuy nhiên theo PGS-TS. Đinh Xuân Hạng - Học viện Tài chính, để tạo ra sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các chương trình trên.
Đơn cử, các địa phương phải xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để có thể phát huy những tiềm năng phát triển kinh tế ở khu vực đồng bào DTTS. Đối với ngành Ngân hàng, PGS-TS. Hạng đề nghị NHCSXH tiếp tục mở rộng cho vay đối với các hộ có khả năng đầu tư vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường cho vay theo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các đối tượng vay ưu đãi vùng miền núi…
Đồng tình cho rằng, các giải pháp đưa ra cần phải triển khai một cách đồng bộ, song Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, NHNN Nguyễn Thị Hiền cho rằng, một mình NHCSXH không thể giải quyết tận gốc vấn đề phát triển kinh tế khu vực đồng bào DTTS mà cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và các cơ quan ban ngành liên quan.