Chia sẻ tại Hội nghị về tình hình sản xuất và đề xuất nhiệm vụ giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 sáng 27/6/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mặc dù nền kinh tế đang có đà phục hồi tốt sau 2 năm Covid-19 và đặc biệt sau khi mở cửa trở lại từ tháng 3/2022 nhưng thực tế tình hình cũng đang rất khó khăn và dự kiến 6 tháng tới còn nhiều thách thức hơn, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ để vượt qua và nắm bắt được các cơ hội đang có.
Hội nghị với sự tham gia của đại diện nhiều hiệp hội, được kỳ vọng là dịp để lắng nghe tổng quan của các ngành hàng, các cơ hội và những vấn đề mà DN trong từng lĩnh vực gặp phải trong 6 tháng vừa qua, từ các vấn đề thị trường, lao động, tiếp cận vốn, giá nguyên vật liệu đầu vào, chuỗi cung ứng... để có bức tranh chung xác thực nhất về những cơ hội, khó khăn, thách thức của cộng đồng DN đang gặp phải, cùng với đó là các đề xuất, kiến nghị cho thời gian tới.
“Chúng tôi rất muốn nắm bắt thực tế tình hình 6 tháng vừa qua và những vấn đề đặt ra cho 6 tháng cuối năm để thấy được bức tranh về các chính sách hiện nay, chính sách nào hiệu quả, tốt, cần tiếp tục thực hiện cũng như chính sách nào cần điều chỉnh, bổ sung mới; những khó khăn, vướng mắc chính hiện nay là gì; các đề xuất, kiến nghị cho trung, dài hạn và nhất là những vấn đề cần phải làm ngay trong ngắn hạn. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những quyết sách điều hành trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Dũng cũng tái khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động hiệu quả, làm sao nhanh chóng vượt qua khó khăn, phục hồi và nắm bắt được các cơ hội.
Phát biểu tại Hội nghị, nhiều đại diện các hiệp hội, ngành hàng đều cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh nửa đầu năm tương đối khả quan, ghi nhận tăng trưởng tích cực song cũng còn rất nhiều thách thức và rủi ro theo các cách thức khác nhau.
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã đạt hơn 50% mục tiêu xuất khẩu đề ra của năm nay (phấn đấu đạt 43 tỷ USD trong khi kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước). Như vậy, nếu tình hình được duy trì ổn định trong những tháng cuối năm thì khả năng rất lớn ngành dệt may sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Đối mặt nhiều thách thức lớn
Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm sẽ còn rất nhiều thách thức như dịch Covid-19 chưa được khống chế hẳn, thậm chí đang bùng phát trở lại tại một số quốc gia; phí hạ tầng cảng biển vẫn rất cao; xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá cả leo thang, đặc biệt là giá xăng dầu, bông…; lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn có thể tác động đến nhu cầu tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của DN dệt may.
Trong khi đó theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), những tháng đầu năm 2022, các DN da giày có nhiều đơn hàng hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng thuận lợi hơn. Nhưng, tỷ lệ tồn kho cao là một trong những vấn đề mà ngành này đang phải đối mặt.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu, chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid… cũng là những thách thức mà các DN da giày phải đối mặt.
Với ngành dịch vụ du lịch, thực tế thời gian vừa qua đã có sự tăng trưởng nhanh trở lại của du lịch nội địa. Tuy nhiên, cũng đang có một nghịch lý là giá tour du lịch trong nước một số nơi đang đắt hơn đi nước ngoài, như so với tour sang Thái Lan. Có thực tế này, theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, là do giá vé máy bay hiện nay đang rất cao.
“Quan trọng nhất là ngành du lịch và các hãng vận tải, đặc biệt hãng hàng không chưa ngồi lại được với nhau, vẫn mạnh ai nấy làm. Chính vì vậy, hiệu quả của chính sách chưa cao", ông Bình nói.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng cần các chính sách và giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ cho ngành phục hồi nhanh hơn. Trong đó, một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm là làm sao hút được khách quốc tế đến. Theo đó, cần quan tâm đến thiết kế và giá tour, tạo điều kiện thuận lợi cho khách vào, trong khi phải đảm bảo được chất lượng. Cùng với đó, cần xem xét kéo dài thời gian miễn visa lên 30 ngày để giữ chân khách lâu hơn.
Tại Hội nghị, các hiệp hội, ngành hàng cũng nêu nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc cần nghiên cứu để giảm nhanh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu về 0%, giúp DN giảm bớt gánh nặng chi phí; các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, có những biện pháp để giảm chi phí logistics; tiếp tục tập trung đơn giản hoá điều kiện kinh doanh; hỗ trợ giải quyết vấn đề thiếu nhân lực…
Lê Đỗ
Nguồn: