Tính toán dài hạn với điện hạt nhân
Tái khởi động các dự án cũ?
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho Dự thảo Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030. Đồng thời, kêu gọi các bộ, ngành góp ý cho Dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII. Đáng chú ý là trong cả hai dự thảo văn bản này, phương án đầu tư các nhà máy điện hạt nhân để bổ sung nguồn điện đều được đề xuất nghiên cứu, triển khai trong các năm tới.
Trên thực tế, trong giai đoạn 2010-2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành đầu tư 2 dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận trên cơ sở chủ trương được Quốc hội phê duyệt. Các đối tác Nhật Bản và Liên bang Nga đã hỗ trợ khảo sát, đánh giá tiền khả thi và dự toán kinh phí đầu tư cho mỗi dự án khoảng 30 triệu USD. Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam thời điểm đó cũng đã đánh giá mức độ an toàn của các lò VVER1200 của Nga và AP1000 của Mỹ để áp dụng cho hai dự án.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2016 Quốc hội đã dừng thực hiện chủ trương đầu tư các dự án điện hạt nhân kể trên, đồng thời không đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII và chỉ xem xét đầu tư vào giai đoạn sau 2030 sau khi cân đối các yếu tố nhu cầu và chi phí tối thiểu.
Việc Bộ Công Thương nhắc lại đề xuất đầu tư các nhà máy điện hạt nhân vào thời điểm hiện nay được nhiều chuyên gia cho rằng hợp lý và nên sớm thực hiện. Bởi mặc dù Quy hoạch điện VIII chưa đặt ra vấn đề phát triển các nguồn điện hạt nhân tại Việt Nam nhưng Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) thời gian qua đã được Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội xem xét và nhận định “điện hạt nhân là một phương án quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu Net zero vào năm 2050”.
TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho rằng, điện hạt nhân là nguồn điện ổn định, công suất lớn, cần thiết cho việc phát triển các ngành công nghiệp điện tử (như sản xuất chip). Trong bối cảnh thuỷ điện ở Việt Nam đã được khai thác gần hết, nhiệt điện than đang bị hạn chế do ô nhiễm môi trường thì việc phát triển nguồn điện hạt nhân ổn định sẽ góp phần làm tốt việc cung cấp điện năng, đảm bảo phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, việc nối lại chủ trương đầu tư các dự án điện hạt nhân thời điểm hiện nay sẽ giúp Việt Nam có nhiều thuận lợi trong hợp tác quốc tế, lựa chọn đối tác vì nhiều nước trên thế giới đang quay lại với điện hạt nhân. Chưa kể rằng, giai đoạn 2010-2016 nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử đã được đào tạo chuyên sâu theo Quyết định 1558/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận cũng đã được đầu tư lớn về cơ sở vật chất hạ tầng. Việc nối lại các dự án này sẽ giúp duy trì và phát triển những nguồn lực có sẵn về lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Các dự án lò phản ứng mô đun nhỏ SMR được đề xuất đầu tư xây dựng tại Việt Nam để phát triển nguồn điện hạt nhân |
Công nghệ an toàn, chi phí hợp lý
Theo số liệu cập nhật của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), tính đến tháng 8/2024, có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đang sử dụng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Toàn thế giới hiện có 415 lò phản ứng điện hạt nhân đang vận hành với tổng công suất lắp đặt khoảng 373.735 MW.
Về mặt công nghệ, theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các lò hạt nhân phát điện đang vận hành, đa số là lò nước áp lực thế hệ II đã được đánh giá lại an toàn đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu an toàn khắt khe sau sự cố Fukushima năm 2011. Phần còn lại là các lò hạt nhân mới được xây dựng trong khoảng 20 năm gần đây, thế hệ III và III+ là các thiết kế tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu an toàn mới.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam sẽ áp dụng các công nghệ lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR), công suất dưới 300 MWe, sử dụng chất tải nhiệt (làm mát) là nước, hoặc kim loại lỏng.
Giáo sư Pierre Darriulat, chuyên gia lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Pháp cho rằng, hiện nay công nghệ lò phản ứng SMR đang được nhiều quốc gia quan tâm phát triển. Hiện có hơn 80 thiết kế lò phản ứng mô đun nhỏ đang được phát triển ở 19 quốc gia, nhiều tổ máy đã vận hành hiệu quả tại Trung Quốc và Nga. Vì thế Việt Nam có thể xem xét nhập khẩu các lò SMR để phát triển các dự án điện hạt nhân quy mô nhỏ.
Riêng về chi phí đầu tư và giá thành sản xuất điện hạt nhân, TS. Trần Chí Thành cho rằng, do các yêu cầu về an toàn, nên trong các thiết kế lò phản ứng thế hệ III+ hiện nay có thêm nhiều hệ thống an toàn, hệ thống làm mát. Điều này khiến chi phí đầu tư tăng lên. Tuy nhiên, các lò hạt nhân thế hệ mới có thể vận hành 80 năm hoặc lâu hơn. Vì thế giá thành đầu tư có thể chấp nhận được.
Tại Việt Nam, theo tính toán của ông Thành, giá thành điện hạt nhân đắt hơn nhiệt điện than nội địa, nhưng rẻ hơn nhiệt điện than nhập khẩu; và cũng rẻ hơn nhiệt điện khí hoá lỏng (LNG). Trong thời gian tới, khi điện hạt nhân được đẩy mạnh, chắc chắn suất đầu tư điện hạt nhân sẽ giảm khi số đơn đặt hàng tăng lên (sản xuất thiết bị hàng loạt). Thêm vào đó, thuế carbon được áp dụng sẽ làm cho giá thành điện hạt nhân tăng tính cạnh tranh hơn nữa so với các nguồn điện khác.