Tổ chức hoạt động thông tin tín dụng đối với các tổ chức tài chính vi mô và fintech tại Việt Nam
Cùng với sự lớn mạnh của các tổ chức tài chính vi mô, sự bùng nổ của Fintech, hoạt động TTTD ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiếp cận tín dụng rộng rãi hơn và công bằng hơn; giảm tình trạng thông tin bất cân xứng giữa bên vay và bên cho vay; cho phép các tổ chức tài chính, đặc biệt là những tổ chức nhỏ, lẻ, có thể đánh giá rủi ro chính xác và nâng cao chất lượng danh mục khách hàng. Hoạt động thu thập thông tin khách hàng vay từ các tổ chức tự nguyện như Công ty Fintech, các tổ chức TCVM bán chính thức giúp góp phần quan trọng trong mục tiêu cải thiện chỉ số chiều sâu và độ phủ TTTD của kho dữ liệu CIC, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng khách hàng vay, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
CIC cần chủ động có những giải pháp tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức TCVM tham gia kết nối TTTD |
Cần đẩy mạnh hoạt động kết nối trao đổi tin
Hiện tại, các công ty P2P lending với hoạt động cấp tín dụng chứa đựng nhiều rủi ro nhưng vẫn chưa được phép tham gia hệ thống TTTD; ngoài ra, các tổ chức TCVM chính thức, bán chính thức, vẫn đang thực hiện báo cáo thông tin theo hệ thống chung với các TCTD mà chưa có một hệ thống chia sẻ thông tin riêng phù hợp với đặc thù của các tổ chức này. Từ thực trạng đó, việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống kết nối, chia sẻ thông tin giữa CIC với các tổ chức TCVM và tổ chức Fintech là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của CIC, nhằm mở rộng kho dữ liệu TTTD quốc gia, hỗ trợ tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước của NHNN và phục vụ hoạt động kinh doanh của các TCTD, tổ chức TCVM và Fintech. Luật Các TCTD (2010) đã khẳng định tổ chức TCVM là một loại hình TCTD trong hệ thống các TCTD của Việt Nam, theo đó các tổ chức TCVM phải thực hiện báo cáo TTTD như các TCTD theo quy định của Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động TTTD của NHNN. Ngoài ra theo Thông tư 03, các tổ chức TCVM bán chính thức cũng có cơ chế cho phép tham gia vào hoạt động TTTD như các tổ chức tự nguyện, trao đổi theo nguyên tắc “có đi có lại” với CIC. Các tổ chức TCVM chỉ phải thực hiện gửi báo cáo TTTD khách hàng vay định kỳ 1 tháng/lần bằng hình thức tệp dữ liệu định dạng excel với phương thức gửi file qua website CIC. Các chỉ tiêu cũng được CIC lược bỏ tối đa so với hệ thống chỉ tiêu các TCTD phải báo cáo, bao gồm 23 chỉ tiêu với tệp thông tin quan hệ tín dụng và 5 chỉ tiêu với tệp thông tin TSĐB.
Cho đến nay, 4 tổ chức TCVM được NHNN cấp phép hoạt động chính thức đều đã nghiêm túc thực hiện kết nối trao đổi TTTD với CIC. Song song với chiều thực hiện báo cáo TTTD về CIC, các tổ chức TCVM cũng bắt đầu nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tham khảo báo cáo TTTD khách hàng trong quá trình xét duyệt cho vay, số lượng báo cáo khai thác của các quỹ đã có mức tăng mạnh hằng năm, đặc biệt là từ giai đoạn 2017-2019, khi CIC áp dụng chính sách giá cho tổ chức TCVM chỉ bằng 20% mức giá áp dụng cho các TCTD. Đây là một kết quả hết sức hạn chế trong tổng số hàng trăm chương trình dự án TCVM đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Kết quả trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như đây là loại hình tổ chức có quy mô nhỏ, có nhiều hạn chế về nguồn vốn, nền tảng công nghệ và trình độ nhân lực quản lý, vận hành nên các hạn chế này sẽ đồng thời gây khó khăn cản trở các tổ chức TCVM, đặc biệt nhóm bán chính thức trong việc kết nối với CIC trong hoạt động TTTD. Khung pháp lý TCVM hiện nay cũng là một thách thức đối với các tổ chức muốn chuyển đổi thành tổ chức TCVM được cấp phép. Các chương trình, dự án TCTCVM vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, hoạt động tự phát, không thống nhất, được cấp phép, quản lý bởi các đơn vị khác nhau (UBND các cấp, Hội Phụ nữ các cấp, Hội Nông dân các cấp…) nên công tác quản lý còn thiếu tập trung, công tác phối hợp còn nhiều bất cập dẫn đến khó khăn cho CIC trong công tác triển khai kết nối TTTD.
Do đó, CIC cần chủ động nghiên cứu để có những giải pháp đồng bộ về hệ thống kết nối, điều kiện, chế độ báo cáo dữ liệu, mẫu sản phẩm, chi phí khai thác báo cáo… để tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức TCVM, đặc biệt là nhóm bán chính thức tham gia kết nối TTTD.
Hoàn thiện sớm khung pháp lý
Trên thực tế, khuôn khổ pháp lý quản lý của Việt Nam về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực công nghệ tài chính trong thanh toán, chưa đầy đủ, đồng bộ cho các lĩnh vực tài chính khác, đặc biệt là lĩnh vực cho vay ngang hàng. Ngoài ra, các quy định về bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân vẫn chưa được hoàn thiện… do vậy các hoạt động kết nối TTTD giữa CIC và các loại hình công ty này còn hạn chế.
Theo quy định hiện hành của NHNN, nếu các công ty P2P Lending thỏa mãn các điều kiện thì có thể tham gia hệ thống TTTD của CIC như một tổ chức tự nguyện. Tuy nhiên, cho vay ngang hàng là loại hình kinh doanh đặc biệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị biến tướng và để lại các hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nên cần có khuôn khổ pháp luật quy định cụ thể về hoạt động của các doanh nghiệp này. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cấp phép cho các công ty P2P đủ năng lực là điều kiện tiên quyết để các công ty P2P có thể tham gia hệ thống TTTD của CIC.
Các giải pháp hiệu quả
Do các tổ chức TCVM (bao gồm cả chính thức, bán chính thức và phi chính thức) có số lượng rất lớn, trong khi đó phần lớn đều có quy mô nhỏ và năng lực về tài chính và công nghệ kém, nên việc định hướng xây dựng mô hình hoạt động TTTD đối với các đơn vị này của CIC hướng tới đáp ứng các yêu cầu tối giản như dịch vụ cung cấp được cụ thể hóa: thông qua các ứng dụng cụ thể như website, phần mềm win form…; Giao diện phần mềm cần thiết kế đơn giản, dễ dàng sử dụng; Hỗ trợ các máy tính cấu hình thấp, đời cũ; Dễ dàng cài đặt, triển khai; Có chức năng hỗ trợ người dùng ngay trên giao diện phần mềm…
Hệ thống kết nối cho các tổ chức TCVM sẽ theo hướng: Cung cấp sản phẩm, dịch vụ và các chức năng khác thông qua 1 website. Người dùng từ các tổ chức TCVM truy cập website này để thực hiện các nghiệp vụ TTTD chính như: gửi báo cáo TTTD, hỏi trả lời tin báo cáo TTTD và chức năng tra soát, thanh toán phí.
Đặc biệt CIC sẽ tăng cường hỗ trợ các tổ chức TCVM như xây dựng tài liệu, sổ tay hướng dẫn kết nối chi tiết để cung cấp đến các đơn vị khi cần; Hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng trong quá trình các đơn vị thực hiện kết nối; Tổ chức các lớp học hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị, có thể tổ chức tập trung hoặc online; Có các chính sách hỗ trợ về giá sản phẩm đối với các tổ chức TCVM, áp dụng cả với đối tượng TCVM bán chính thức. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về đường truyền kết nối, công nghệ thông tin, thiết kế mẫu sản phẩm... để khi khuôn khổ pháp lý được thông qua có thể cho các công ty Fintech tham gia hệ thống TTTD; Chủ động tham mưu cho NHNN trong việc xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động TTTD của các TCTCVM, Fintech; Xây dựng tài liệu, sổ tay hướng dẫn kết nối chi tiết để cung cấp đến các đơn vị khi cần; Hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng trong quá trình các đơn vị thực hiện kết nối; Tổ chức các lớp học hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị, có thể tổ chức tập trung hoặc online
Các công ty Fintech có nền tảng công nghệ và nhân sự cao, thường đã có sẵn hệ thống quản lý hoàn chỉnh, cho phép có thể tạo lập các báo cáo dưới dạng dữ liệu có cấu trúc, sẵn sàng cho các giao tiếp máy – máy. Đồng thời các công ty Fintech thường có nhu cầu lưu trữ và tái sử dụng các TTTD nhận được nên việc xây dựng mô hình hoạt động TTTD đối với các đơn vị này cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau. Dịch vụ cung cấp cần được tiêu chuẩn hóa, sẵn sàng đối với các kết nối máy – máy; Không cần giao diện phần mềm; Dữ liệu gửi đi và nhận được phải ở dạng dễ dàng lưu trữ và tái sử dụng; Thời gian triển khai ngắn, khả năng tương thích với nhiều hệ thống khác nhau…