TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh dự báo, tình hình 2024 còn nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố xác định chủ đề công tác năm nay là quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhắc lại, kết thúc quý I/2023 tăng trưởng kinh tế thành phố gần như bằng 0, do nền kinh tế vừa vượt qua khỏi đại dịch. Ngay sau đó, với sự nỗ lực của lãnh đạo thành phố, sự đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp... đã giúp kinh tế dần phát triển. Và quý IV/2023, tăng trưởng kinh tế thành phố đạt 9,65% và cả năm là 5,81%, cao hơn mức trung bình cả nước 5,05%.
“Đây là kinh nghiệm tốt để tham mưu trong điều hành hoạt động kinh doanh cho thành phố trong thời gian sau này, trước mắt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Dũng nhấn mạnh.
Chương trình bình ổn thị trường không điều chỉnh giá tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng |
Theo các chuyên gia, những ngày đầu tháng 1/2024, tín hiệu thị trường của thành phố khá tích cực. Doanh số bán hàng của một số kênh tăng trưởng tương đối.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024 thành phố sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình bình ổn thị trường; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường thông qua chuỗi kết nối cung cầu hàng hóa, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; các chương trình kích cầu tiêu dùng. Ngành công thương thành phố sẽ tiếp tục gắn kết, đồng hành với doanh nghiệp. Doanh nghiệp là đối tác tích cực với sở ngành quận huyện trong thực hiện nhiệm vụ thành phố giao.
Theo đó, ngành công thương thành phố đưa ra 3 chỉ tiêu tăng trưởng so với năm 2023. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11%; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp qua cửa khẩu thành phố tăng 10%. Ngành công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thành phố vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, chuẩn bị tiền đề cho sự phát triển tăng tốc năm 2024, ngành Công thương triển khai các nhóm nhiệm vụ thực hiện chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7% - 8% so với năm 2023.
“Năm 2024, bên cạnh việc triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển ngành, ngành công thương thành phố sẽ tiếp tục tập trung tham mưu các giải pháp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng trên địa bàn và mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm hỗ trợ tổng cầu phục hồi nhanh hơn. Song song đó là phát huy vai trò của các hội đồng phát triển ngành công nghiệp trong công tác tham mưu, triển khai những cơ chế chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, sản phẩm chủ lực. Tăng cường tổ chức kết nối doanh nghiệp - ngân hàng. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghị quyết ban hành quy định về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty đầu tư tài chính nhà nước - HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định.
Góp ý thêm về các giải pháp kích cầu của thành phố, TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để tăng tiêu dùng nội địa, thành phố cần thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả. Trong đó có phát triển thương mại điện tử, chống hàng gian hàng giả, nâng cao chất lượng hàng hóa và phát triển nhiều sản phẩm xanh.
“Chúng tôi nhìn thấy không chỉ là thị trường 10 triệu dân của thành phố, mà còn là thị trường 30 triệu dân của phía Nam, 100 triệu dân của cả nước. Và chúng ta cần nghiêm túc xác định, để phát triển kinh tế tiêu dùng thì phải có tín dụng phục vụ tiêu dùng. Bởi vì chính tín dụng thúc đẩy tiêu dùng, chính tiêu dùng thúc đẩy sản xuất, cung cấp sản phẩm”, ông Trương Minh Huy Vũ nói.
Để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Dũng cũng yêu cầu ngành công thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tối đa công tác mở rộng thị trường, sớm trình UBND thành phố để ban hành kế hoạch triển khai ngay để cụ thể các đầu việc đã đề ra. Ngoài ra, ngành công thương phải cùng đồng hành với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh trong kết nối giữa ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn, vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo đà kinh tế thành phố phát triển…