TP. Hồ Chí Minh: Ngân sách địa phương sẽ bổ sung 998 tỷ đồng cho vay hỗ trợ giảm nghèo
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023 vừa qua, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương đã phối hợp với chi nhánh cho vay gần 10.310 tỷ đồng đối với các chương trình tín dụng chính sách, chiếm 99,8% tổng dư nợ của ngân hàng này, với trên 183.300 khách hàng còn dư nợ.
Trong đó, dư nợ ủy thác do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh quản lý đạt hơn 4.230,6 tỷ đồng (chiếm 41%); dư nợ do Hội Cựu chiến binh quản lý đạt 2.214,8 tỷ đồng (chiếm 21%); dư nợ do Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên TP. Hồ Chí Minh quản lý lần lượt đạt 1.947,5 tỷ đồng và 1.916 tỷ đồng, chiếm 18,9% và 18,6% tổng dư nợ ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị xã hội.
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến hiện nay, mạng lưới tín dụng chính sách tại địa phương đang có 258 điểm giao dịch cấp xã, phường với khoảng 3.890 Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Trong năm 2023, 97,2% tổng giá trị giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh được thực hiện qua các điểm giao dịch cấp xã, phường.
Hơn 89.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại TP. Hồ Chí Minh đã tiếp cận được nguồn tín dụng chính sách trong năm vừa qua |
Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2023 vừa qua nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các chương trình tín dụng chính sách là khoảng 6.581,8 tỷ đồng, tăng gần 77% so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn ủy thác từ Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững TP. Hồ Chí Minh và các quận, huyện đạt gần 2.280 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng để Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương.
Đối với hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 10/2023 (thời điểm kết thúc hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội), chi nhánh đã giải ngân cho vay khoảng 174,5 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Hỗ trợ giảm 2% lãi suất đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm với tổng số tiền 84,38 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cấp bổ sung tối thiểu 500 tỷ đồng (để cho vay giải quyết việc làm).
Ngân sách TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ bổ sung thêm 998 tỷ đồng (để cho vay giải quyết việc làm, cho vay hỗ trợ giảm nghèo), đồng thời trích bổ sung khoảng 70 tỷ đồng từ nguồn tiền lãi thu được từ các chương trình cho vay hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm năm 2023.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm nay chi nhánh phấn đấu tăng trưởng dư nợ tối thiểu 2.000 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 19% so với năm 2023. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm tăng tối thiểu 1.700 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ giảm nghèo tăng tối thiểu 300 tỷ đồng.