Triển vọng công nghiệp bán dẫn bên bờ sông Hàn
Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI và cơ hội cho Việt Nam Đà Nẵng triển khai đề án ‘Phát triển chip bán dẫn và vi mạch’ |
Điểm đến của công nghiệp bán dẫn
Tháng 9/2023, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong tuyên bố chung, hai bên cùng ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam để trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”.
Tuyên bố cũng nhắc đến việc khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ “gieo mầm” trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai. Đây được xem là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp trăm tỷ USD này, vốn có tầm ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực trên thế giới.
Đà Nẵng có hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ cao khá hoàn chỉnh, bài bản |
“Đà Nẵng là một trong những địa phương của Việt Nam có điều kiện rất tốt để hợp tác với các địa phương của Hoa Kỳ trong phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn”, ông Marc E.Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ - Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt” được tổ chức tại Đà Nẵng đầu tháng 11/2023.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Công ty Synopsys khu vực Nam Á cũng cho rằng: “Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn, bởi nơi đây có hệ thống các trường đào tạo nhân lực chuyên ngành công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bài bản, hệ sinh thái khởi nghiệp có thể ươm tạo các startup trong lĩnh vực này”.
Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Tại địa phương này hiện đã có các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fptsemi, Sannei Hytechs… Trong khi đó, về hạ tầng công nghệ thông tin, TP. Đà Nẵng đang có 1 khu công nghệ cao, 6 khu công nghiệp và chế xuất, 3 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm đang hoạt động. Thành phố cũng đang thu hút đầu tư khu không gian sáng tạo Hòa Xuân, hỗ trợ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng tòa nhà công nghệ cao Viettel, khu công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay…
Thêm vào đó, theo PGS.TS. Trần Xuân Tú, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, vị trí của Đà Nẵng cực kỳ thuận lợi nếu xét về giao thương quốc tế, dễ dàng tiếp cận với các thị trường trong khu vực và trên thế giới; dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn thế giới; cửa ngõ phía Đông mở ra Thái Bình Dương của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây nối với Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Đây là một lợi thế đặc biệt, riêng có của Đà Nẵng.
Cần một khát vọng mãnh liệt
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT từng chia sẻ: “20 năm trước, anh Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị có đặt vấn đề: Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố như thế nào? Tôi nói: Chúng tôi muốn Đà Nẵng trở thành thành phố trí tuệ. Lúc đó không ai tin, doanh nghiệp không tin. Nhưng tôi vẫn tin là chúng ta làm được và thực tế đã làm được như hôm nay. Cơ bản nhất là chúng ta có khát vọng”.
Bởi vậy, theo ông Trương Gia Bình, việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Đà Nẵng lần này cũng cần khát vọng mãnh liệt. “Bằng mọi cách, chúng ta phải xây dựng Đà Nẵng có tên trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới... Để làm được điều đó, Đà Nẵng nên lựa chọn đi những bước đầu tiên, trong đó cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngành điện tử, bán dẫn về với thành phố”, ông Bình nói.
Hiến kế giải pháp về nguồn nhân lực, ông Trương Gia Bình cho rằng, Đà Nẵng cần đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để triển khai các khóa học, thu hút nhân sự chất lượng cao về làm việc, xây dựng các cơ sở nghiên cứu tiên tiến. Chính quyền thành phố cần có những chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng nhà máy bán dẫn ở Đà Nẵng, góp phần nội địa hóa chuỗi cung ứng.
Công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch và thiết bị bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thế giới |
Trên thực tế, Đà Nẵng cũng đang tích cực bắt tay với các đối tác trên thế giới đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn. Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm kết nối doanh nghiệp Hoa Kỳ và các địa phương Việt Nam được tổ chức tại San Francisco (Hoa Kỳ) hồi giữa tháng 11/2023, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, UBND Đà Nẵng và Công ty Synopsys đã trao bản ghi nhớ thể hiện cam kết chung. Theo đó, Synopsys sẽ hỗ trợ thành phố phát triển nguồn nhân lực vi mạch ngành bán dẫn và mở rộng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Có thể nói, Đà Nẵng đang nỗ lực viết tên mình trên bản đồ công nghiệp bán dẫn thể giới. Bên cạnh nguồn nhân lực, để trở thành “điểm đến” của công nghiệp bán dẫn, thành phố cũng “trải thảm đỏ” đón doanh nghiệp với khung pháp lý thuận lợi, cơ chế, đào tạo, kết nối quốc tế và đặc biệt là những tâm huyết, khát vọng về công nghiệp bán dẫn của lãnh đạo và nhân dân thành phố…
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch và thiết bị bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thế giới hiện đại. Với những lợi thế riêng có của mình, cùng với sự vào cuộc từ chính quyền, doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân, hy vọng Đà Nẵng sẽ phát triển thành công công nghiệp bán dẫn, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn tại khu vực miền Trung cũng như cả nước”.
“Công nghiệp vi mạch bán dẫn cung cấp nền tảng kỹ thuật cho nhiều lĩnh vực của cuộc sống hiện đại, một phần quan trọng của sự phát triển công nghệ và kinh tế toàn cầu... Và nếu tư vấn giới thiệu cho doanh nghiệp Đài Loan đầu tư sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam, tôi sẽ chọn Đà Nẵng”, ông Jen Fuhua, vị giáo sư nổi tiếng về vi mạch ở Đại học Minghsin Đài Loan (Trung Quốc) nói.