Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy đầu tư nước ngoài
Trung Quốc giảm lãi suất cho vay cơ bản 5 năm Trung Quốc quyết đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 5% |
Nhiều hoạt động thu hút doanh nghiệp nước ngoài
Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, nhà sáng lập Blackstone Stephen Schwarzman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Qualcomm Cristiano Amon, Chủ tịch Bloomberg Mark Carney và Chủ tịch FedEx Rajesh Subramaniam nằm trong số các lãnh đạo doanh nghiệp tham dự sự kiện này.
Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc |
Trước đó, các giám đốc điều hành và đại diện khác từ các công ty quốc tế lớn đã có mặt tại Bắc Kinh trong tuần này để tham dự “Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF)” thường niên, sự kiện diễn ra từ trong 2 ngày Chủ nhật và thứ Hai vừa qua. Diễn đàn năm nay trùng hợp với những nỗ lực khác của Trung Quốc nhằm thu hút doanh nghiệp nước ngoài, như tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh đầu tư vào Trung Quốc” hay việc nước này vừa chính thức nới lỏng các yêu cầu về xuất, chia sẻ dữ liệu nghiêm ngặt trước đây.
Theo đó vào cuối ngày 22/3 vừa qua, Cơ quan quản lý không gian mạng (CAC) của Trung Quốc đã ban hành các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi và điều chỉnh luồng dữ liệu xuyên biên giới, làm rõ các tiêu chuẩn báo cáo để đánh giá bảo mật đối với việc xuất dữ liệu quan trọng, cũng như sẽ được miễn đánh giá bảo mật và khai báo khi chia sẻ ra khỏi đất nước nếu các cơ quan quản lý chưa phân loại thông tin đó là “dữ liệu quan trọng”. Những quy định mới có hiệu lực ngay lập tức.
Sean Stein, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Đây là một bước tiến đáng kể về mặt minh bạch và các công ty thành viên của chúng tôi giờ đây đã hiểu rõ hơn nhiều khi họ muốn tuân thủ các quy định này. Đáng chú ý là những thay đổi này củng cố vai trò của các cơ quan quản lý theo từng ngành cụ thể trong việc xác định dữ liệu nào được coi là quan trọng trong lĩnh vực của họ; cũng như dữ liệu nào là không quan trọng trừ khi đã được nêu cụ thể”.
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa căng thẳng địa chính trị, sự không chắc chắn về quy định và tăng trưởng kinh tế chậm hơn đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc gặp nhiều thách thức hơn. Đặc biệt với các doanh nghiệp đang xem xét kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc, triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của nước này là một yếu tố mà họ rất quan tâm.
Doanh nghiệp vẫn “thiếu tự tin”
Scott Kennedy, cố vấn cấp cao và chủ tịch ủy thác về kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ tham dự tại CDF vừa qua lớn hơn đáng kể so với năm ngoái. Chuyên gia này cho rằng, Trung Quốc đã cố gắng gửi một tín hiệu rõ ràng rằng các doanh nghiệp nước ngoài được chào đón. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài vẫn có chung sự thiếu tự tin và lo lắng về một tương lai không chắc chắn - điều mà hầu hết các ngành công nghiệp nội địa của Trung cũng đều cảm nhận được.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% năm nay. Một số nhà phân tích cho rằng, mục tiêu như vậy là đầy tham vọng khi mức độ kích thích (hỗ trợ) của các chính sách cho đến hiện tại là chưa đủ; trong khi các lực cản, thách thức như từ lĩnh vực bất động sản vẫn rất lớn. Các quan chức Chính phủ đã ra tín hiệu rằng Bắc Kinh có thể tăng cường hỗ trợ, nhưng không nói rõ về chi tiết. Như Stephen S. Roach, thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai của Trường Luật Yale, nhận định, diễn đàn CDF năm nay không đưa ra những thông tin mới về những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt cũng như các biện pháp chính sách mới nào đang được xem xét.
Theo dữ liệu chính thức, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc vào năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm. Kể từ khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 vào đầu năm ngoái, Trung Quốc đã rất nỗ lực thu hút vốn nước ngoài. Như vào 26/3 vừa qua, Bộ Thương mại và thành phố Bắc Kinh đã tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh đầu tư vào Trung Quốc” với sự tham dự của khoảng 140 đại diện doanh nghiệp.
“Đầu tư vào Trung Quốc là đầu tư cho tương lai”, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính nói trong bài phát biểu khai mạc hội nghị này, đồng thời nhấn mạnh về thị trường, chuỗi cung ứng công nghiệp rộng lớn của Trung Quốc và chỉ ra cách Trung Quốc giải quyết các vấn đề như xuất dữ liệu qua biên giới và đối xử bình đẳng trên thị trường với các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu phải đối mặt với những cân nhắc địa chính trị lớn hơn khi hoạt động tại Trung Quốc, thì dòng vốn từ Trung Đông lại đang “để mắt” đến thị trường này. Như ông Amin H. Nasser, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của tập đoàn khai thác dầu khí Saudi Aramco cho biết tại hội nghị này, SABIC (công ty con về hóa chất của Aramco) đã thực hiện các thỏa thuận trong năm ngoái với hơn 20 tỷ USD đầu tư vào ngành hóa chất ở Trung Quốc. Ông Nasser thông tin, đầu tư mạo hiểm cũng là một “lĩnh vực hợp tác chiến lược” và vào tháng 1 vừa qua, Aramco đã tăng hơn gấp đôi số đầu tư mạo hiểm, lên 7,5 tỷ USD cho Aramco Ventures (một đơn vị đầu tư mạo hiểm toàn cầu thuộc Aramco), để tìm kiếm các cơ hội đầu tư.