Truy xuất nguồn gốc hàng hóa - chìa khóa mở ra thành công
Việt Nam phải chấp nhận "luật chơi" về truy xuất nguồn gốc hàng hóa Ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp |
Những tháng đầu năm 2023, tại khu vực Tây Nguyên, giá một số mặt hàng nông sản chủ lực tăng so với đầu năm 2023. Đơn cử, nếu tại thời điểm ngày 31/12/2022, giá cà phê tại Đăk Lăk dao động trong khoảng 39.100-39.200 đồng/kg; giá hồ tiêu ở mức 58.500 đồng/kg thì hiện tại giá cà phê dao động trên dưới ở mức 57.750 đồng/kg; giá hồ tiêu dao động quanh mức 73.500 - 75.000 đồng/kg...
Để các mặt hàng nông sản của Tây Nguyên tiếp tục có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân, chính quyền các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo đó, Đăk Lăk đang đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản chủ lực. Đây là giải pháp quan trọng nhằm minh bạch hoá thông tin sản phẩm, bảo vệ thương hiệu. Đồng thời, tạo uy tín, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của DN, hợp tác xã (HTX).
UBND tỉnh Đăk Lăk đã ban hành Kế hoạch số 8610/KH-UBND thực hiện đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” của Chính phủ trên địa bàn. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng 7 mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm như: rau quả, mật ong, cà phê bột, hạt tiêu, hạt điều, lâm sản… Từ đó, nhân rộng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để đảm bảo nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nông lâm sản chủ lực và các sản phẩm, hàng hóa OCOP của địa phương. Đồng thời, bảo đảm tối thiểu 25% DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của DN trong nước và quốc tế; xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh Đăk Lăk và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho việc kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia...
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Lăk đã phối hợp với Viện Công nghệ thông tin và truyền thông CDIT hỗ trợ 10 DN, HTX trên địa bàn ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có dán tem QR code và cấp gần 100.000 tem xác thực truy xuất nguồn gốc. Với phần mềm truy xuất nguồn gốc và tem QR code được cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kho dữ liệu, cập nhật thông tin về nguồn gốc hàng hóa lên hệ thống và dán mã QR lên sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường. Người tiêu dùng được cung cấp thông tin về sản phẩm, tra cứu, đánh giá, bình chọn... thông qua ứng dụng quét mã QR trên điện thoại thông minh.
Chính quyền các địa phương, DN, HTX và cả người sản xuất cần thay đổi tư duy để giúp nâng tầm nông sản Việt |
Tuy nhiên, theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Lăk, công tác quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa hiện vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Đơn cử, dữ liệu truy xuất nguồn gốc phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp giải pháp; thông tin truy xuất nguồn gốc không đáp ứng “các nguyên tắc truy xuất nguồn gốc”, không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng, không đủ phần tử dữ liệu chính, thông tin không chính xác.
Cùng với đó, hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai chưa được ban hành đầy đủ nên việc thực hiện không thống nhất và đồng bộ...
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, truy xuất nguồn gốc được coi là chìa khóa khởi tạo niềm tin, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm. Đồng thời, cũng là ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.
Không chỉ vậy, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hoá nông sản còn giúp DN chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về vấn đề này.
Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các địa phương, để truy xuất nguồn gốc hàng hóa thực sự giúp nâng tầm nông sản Việt, DN, HTX và cả người sản xuất cần thay đổi tư duy, chủ động ứng dụng công nghệ để minh bạch thông tin truy xuất. Đó cũng là để bảo vệ thương hiệu khi bị giả mạo xuất xứ…y