Tự động hoá không hoàn toàn thay thế được con người
Nhà băng Việt sắp đưa robot và trí tuệ nhân tạo AI vào giao dịch | |
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong doanh nghiệp: Lợi thế cạnh tranh trong thời đại số |
Ảnh minh họa |
Trước Wells Fargo, nhiều lãnh đạo ngân hàng, hãng tư vấn và chuyên gia phân tích khác đã dự báo nhân lực ngành Ngân hàng sẽ có sự sụt giảm mạnh do tự động hóa. Hồi tháng 5, McKinsey & Co dự báo số nhân viên front-office (tiếp xúc trực tiếp với khách hàng) sẽ giảm một phần ba vì sự phổ biến của robot.
Trước tác động của CMCN 4.0, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao giỏi cả chuyên môn nghiệp vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin, có khả năng phân tích dữ liệu sẽ ngày càng tăng. Các ngân hàng sẽ chuyển hướng sử dụng robot nhiều hơn. Theo chuyên gia chia sẻ, các robot tiên tiến tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) không chỉ dừng lại ở những công việc thủ công, chân tay, như thay thế con người trong những lĩnh vực công việc giản đơn, lập đi lặp mà hoàn toàn có thể thay thế nhân viên ngân hàng tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Những việc như xử lý và thu thập dữ liệu, bảo lãnh phát hành hoàn toàn có thể tự động hoá bằng RPA (một phần mềm robot bắt chước hành động của con người). Như tại ANZ, RPA được ứng dụng trong quản lý nhân sự và xử lý chi trả lương theo lô, hay ngân hàng Barclays ứng dụng RPA trong một loạt các quy trình như phát hiện gian lận, giám sát rủi ro, xử lý các khoản phải thu và xử lý hồ sơ tín dụng...
Tại Việt Nam, mới đây, NamA Bank trở thành ngân hàng Việt đầu tiên ứng dụng Robot OPBA vào quầy giao dịch, phục vụ khách hàng. Một số ngân hàng như MB và Techcombank đã nghiên cứu và ứng dụng một phần công nghệ RPA (tự động hoá quy trình bằng robot) trong quy trình thẩm định cho vay. TPBank đã đi đầu khi từ năm 2017 ứng dụng sản phẩm trợ lý ảo TAio trên Facebook Fanpage để phản hồi các thông tin của khách hàng. Hay đầu năm 2019, MSB ứng dụng AI để phát hành thẻ tín dụng dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất của IBM là điện toán biết nhận thức. AI sẽ đánh giá năng lực tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng để giảm thiểu các thủ tục truyền thông…
Có ý kiến cho rằng khi ngày càng nhiều robot, hay trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thì nhân sự ở lĩnh vực này sẽ bị cắt giảm đi. Song, chuyên gia nhận thấy, đây mới chỉ là bước đầu tiên khi khách hàng tới giao dịch ngân hàng, mà không phải toàn bộ các khâu giao dịch tiếp sau. Robot chỉ có thể thay thế con người ở những công việc lặp đi lặp lại, còn đối với những công việc đòi hỏi kỹ năng thì chỉ con người có thể làm tốt nhất.
ThS. Dương Ngân Hà - Học viện Ngân hàng cho rằng, ứng dụng AI sẽ tác động vào lực lượng lao động, trong đó cắt giảm nguồn lực lao động đang được đề cập nhiều trong khi AI sẽ tăng hiệu quả làm việc và tạo ra những công việc mới. Tuy nhiên, lực lượng lao động trong ngành Ngân hàng sẽ không hoàn toàn bị thay thế mà sẽ có sự dịch chuyển sang các lĩnh vực khác trong ngân hàng. “Quan điểm so sánh con người và AI là sai lầm, sự kết hợp giữa con người với AI mới tạo ra giá trị lớn hơn bởi sự hỗ trợ và tăng cường bởi máy móc sẽ giúp con người phát huy được hết khả năng sáng tạo của mình”, ThS. Dương Ngân Hà nhìn nhận.
Nhưng có một điều phải khẳng định rằng, nhân sự ngân hàng chắc chắn sẽ có đòi hỏi yêu cầu cao hơn, sàng lọc kỹ càng và gắt gao hơn khi có sự tham gia của công nghệ, cách thức quản trị nguồn nhân lực cũng buộc phải có những thay đổi cho phù hợp.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng nhận thấy, nhân sự bị cắt giảm ở một số bộ phận sẽ được điều chuyển tới những bộ phận khác. Và với ứng dụng từ CMCN 4.0 sẽ ưu tiên tập trung vào con người và năng lực cá nhân thay vì tập trung vào công việc, vị trí. Thêm nữa, tư duy về cách thức điều hành nhân sự cũng thay đổi theo hướng tập trung vào xây dựng các nhóm làm việc linh hoạt. “Có thực tế là đang thiếu hụt nhân sự chất lượng cao trong các định chế tài chính, nhất là ở mảng CNTT và số hoá. Ngân hàng cũng ít lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh như các công ty công nghệ hoặc tư vấn, Fintech”, chuyên gia này nêu quan điểm.
Trong giai đoạn đầu chứng kiến sự thay đổi, chuyển dịch về nguồn nhân lực, theo chuyên gia, các ngân hàng cần thay đổi tư duy, thay đổi cách quản trị nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng cho mọi sự thay đổi của môi trường kinh doanh để duy trì lợi thế cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận. Việc tự động hoá, hay trí tuệ nhân tạo thay thế con người trong hoạt động ngân hàng cần phải được nhìn nhận là điều tất yếu, không thể khác.
Điều này đặt ra đòi hỏi phải tái cơ cấu lại nguồn nhân lực theo hướng phù hợp với mô hình kinh doanh mới, sau đó xác định các kỹ năng cần thiết để tăng năng lực cạnh tranh. Xây dựng một môi trường linh hoạt và sáng tạo, xây dựng chiến lược quản trị lâu dài (mục đích hoạt động, kế hoạch nguồn nhân lực, quản lý tác động của công nghệ)... cũng là những điểm các ngân hàng cần lưu ý. Tựu chung lại, “mỗi ngân hàng phải có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự thay thế bằng việc nhanh chóng thích ứng và vận dụng điều này để đạt được mục tiêu kinh doanh”, chuyên gia cho hay.