Tỷ giá ngày 10/4: Đô la bán ra xuống dưới 23.600 đồng/USD
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 9/4 | |
Tỷ giá ngày 9/4: Nhiều ngân hàng giảm nhẹ giá mua - bán USD |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sáng nay đã điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm 14 đồng so với phiên cuối phiên trước, hiện ở mức 23.221 đồng/USD.
Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ấn định giá mua vào ở mức 23.175 đồng/USD, trong khi giá bán ra được niêm yết ở mức 23.650 đồng/USD.
Sáng nay, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm giá mua - bán đồng bạc xanh so với hôm qua, với mức giảm dao động từ 10-30 đồng/USD. So với cùng thời điểm sáng qua, tỷ giá đã giảm khá nhiều.
Cụ thể, giá mua thấp nhất đang ở mức 23.350 đồng/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 23.410 đồng/USD. Trong khi đó, ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 23.540 đồng/USD, giá bán cao nhất đang ở mức 23.580 đồng/USD.
Trên thị trường thế giới, sáng nay, chỉ số đô la Mỹ (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 99,57 điểm, tăng 0,01 điểm (0,01%) so với giá mở cửa. So với cùng thời điểm sáng qua, chỉ số này đã giảm 0,58 điểm.
Theo các chuyên gia, chuyển động giá của các loại tiền tệ hiện nay đang cho thấy nhà đầu tư không tin vào tính bền vững của thị trường. Đặc biệt là sau khi các thông tin liên quan đến Covid-19 liên tục được cập nhật với diễn biến khó lường.
Đồng USD đang giảm mạnh sau rất nhiều thông tin bất lợi đối với nền kinh tế Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 9/4 công bố gói hỗ trợ tài chính tiếp theo trị giá 2.300 tỷ USD nhằm giúp thị trường vượt qua khủng hoảng do dịch Covid-19. Với gói hỗ trợ này, Fed cho phép các ngân hàng thương mại Mỹ cho các doanh nghiệp nhất định vay với kỳ hạn dài 4 năm; bên cạnh đó Fed cũng trực tiếp tăng mua trái phiếu của các bang đông dân hoặc bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Ở một diễn biến bất lợi với đồng đô la khác, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tiếp tục ở mức cao 6,606 triệu đơn trong tuần kết thúc ngày 4/4, chỉ thấp hơn khoảng 260 nghìn đơn so với tuần trước đó và vượt mức 5 triệu đơn theo dự báo.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng do Đại học Michigan khảo sát chỉ ở mức 71 điểm trong tháng 4, giảm mạnh từ 89,1 điểm của tháng 3 và sâu hơn mức 75 điểm theo dự báo.
Bên cạnh đó, áp lực đẩy đồng USD lùi xuống còn do thông tin từ cuộc họp của OPEC+ và các đồng minh do Nga dẫn đầu vào đêm qua theo giờ Việt Nam đã đồng ý cắt giảm hơn 1/5 sản lượng dầu sản xuất ra, tương đương đến 10 triệu thùng/ngày.
Các chuyên gia dự báo, đồng USD sẽ tiếp tục yếu đi khi mà các số liệu cho thấy tình hình dịch Covid-19 đang khiến nền kinh tế Mỹ tiếp tục xấu hơn.