Tỷ giá sáng 21/9: Tỷ giá trung tâm đi ngang
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/9 | |
Tỷ giá sáng 19/9: Tỷ giá trung tâm nối dài chuỗi tăng |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở 23.301 đồng, không đổi so với phiên trước. Như vậy, tỷ giá trung tâm đã đi ngang sau 5 phiên tăng liên tiếp với tổng mức tăng là 57 đồng.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ nguyên giá mua - bán USD. Hiện, giá bán ra đang ở 23.700 đồng/USD; giá mua vào vẫn tạm để trống.
Trong khi đó, giá mua - bán bạc xanh tại các ngân hàng ít thay đổi so với cuối phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua thấp nhất đang ở mức 23.500 VND/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 23.580 VND/USD. Trong khi đó ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở 23.790 VND/USD, giá bán cao nhất đang ở 23.950 VND/USD.
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt, cập nhật đến đầu giờ sáng nay theo giờ Việt Nam ở mức 110,268 điểm, tăng 0,76 điểm (+0,07%) so với thời điểm mở cửa.
Bạc xanh tăng nhẹ và đang dao động gần mức cao nhất trong hai thập kỷ so với các đồng tiền chủ chốt khác, sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh trước thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định lãi suất vào cuối ngày, được cho là có khả năng sẽ gây ra bất ngờ.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm - thước đo về kỳ vọng lãi suất - đã chạm 3,992%, mức cao nhất kể từ năm 2007, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn tăng lên 3,604%, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Vào cuối ngày, Fed sẽ công bố các quyết định chính sách sau cuộc họp tháng Chín và thị trường tin rằng lãi suất sẽ tăng thêm 75 điểm cơ bản, trong khi vẫn có xác suất 19% lãi suất sẽ tăng 100 điểm cơ bản và dự báo lãi suất sẽ đạt đỉnh khoảng 4,5% vào tháng 3/2023.
Thị trường cũng sẽ chú ý đến các dự báo kinh tế được cập nhật và biểu đồ "dot plot" để dự đoán lãi suất trong tương lai.
“Chúng tôi dự đoán chỉ số bạc xanh sẽ đạt 112 điểm trong ngắn hạn. Nếu lãi suất chỉ tăng 75 điểm cơ bản thì sẽ cần một thông điệp diều hâu của Fed để đẩy bạc xanh lên mức đó", Kristina Clifton, nhà kinh tế và chiến lược tiền tệ cấp cao tại Commonwealth Bank of Australia nói.
Ở thông tin khác, hôm qua, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) đã khiến các thị trường bất ngờ với mức tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản, lớn hơn mong đợi, nhưng nó không hỗ trợ nhiều cho đồng tiền của quốc gia này - vốn đang bị đè nặng bởi rủi ro tăng trưởng và đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm sau quyết định này.
Bảng Anh sáng nay giảm 0,09% xuống 1,1371 USD, gần mức thấp nhất trong 37 năm; trong khi euro cũng giảm 0,09% xuống 0,9962 USD, trước đó nó đã giảm 0,56%.
Đồng đô la Úc và New Zealand - các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro - sáng nay tiếp tục chịu áp lực. Trong khi đô la Úc giảm 0,04% xuống 0,6686 USD, sau khi giảm 0,54% ở phiên trước, thì đô la New Zealand tăng 0,11% lên 0,5896 USD, sau khi giảm 1% trong phiên trước đó và chạm mức thấp nhất trong hơn hai năm
Đô la Canada sáng nay giảm nhẹ xuống 1,371 CAD/USD sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, khi dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát chậm lại một cách bất ngờ.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng sẽ công bố các quyết định chính sách vào thứ Năm.
“Lạm phát đã gia tăng, nhưng tôi nghĩ đó chủ yếu là do yếu tố lương thực và năng lượng, vì vậy tôi nghĩ BoJ sẽ muốn thấy lạm phát tăng cao hơn chút nữa trước khi họ thay đổi lập trường chính sách của mình", Kristina Clifton nhận định.
Dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy, lạm phát lõi của Nhật Bản đã tăng nhanh lên 2,8% trong tháng Tám, đạt tốc độ hàng năm nhanh nhất trong gần tám năm và vượt mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trong tháng thứ năm liên tiếp.
Sáng nay, bạc xanh đi ngang so với yên Nhật ở 143,77 JPY/USD, gần mức cao nhất trong 24 năm. Tính từ đầu năm, bạc xanh đã tăng khoảng 20% so với đồng tiền của Nhật Bản.