Ưu đãi và tác dụng phụ
Các chính sách ưu đãi thuế, hiệp định thương mại quốc tế và vấn đề DV công ở Việt Nam | |
Giải đáp về ưu đãi thuế cho DN có vốn đầu tư nước ngoài | |
Quá lãng phí khi ưu đãi thuế cho nhà đầu tư |
Một lần nữa Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) lại nêu lên vấn đề công bằng thuế và sự “hào phóng” không đáng có của Chính phủ đang dành cho DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này thể hiện ở chính sách giãn, giảm thuế và giảm tiền thuê đất dành cho dự án FDI. Nhưng các chính sách này không tạo ra sức cạnh tranh của nền kinh tế, mà đang làm mất đi khoản thu khá lớn vào ngân sách.
Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng đại diện của AAV tại Việt Nam nói rằng, với việc được sử dụng như một đòn bẩy để kích thích đầu tư nước ngoài, mỗi năm thuế thu nhập DN (TNDN) của Việt Nam ước giảm 20 triệu USD do các chính sách miễn giảm thuế từ các Hiệp định thương mại.
Bản thân các chính sách ưu đãi thuế không tạo ra sức hút cạnh tranh của nền kinh tế |
Con số này được đưa ra trong một báo cáo nghiên cứu của AAV và Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam. Báo cáo cũng dẫn lại nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia rằng chiều hướng tăng trưởng dòng vốn FDI sẽ còn tiếp tục với hàm ý nếu thế, liệu số thuế giảm thu cũng sẽ nhiều hơn?
Số tiền thất thu này ước tính còn cao hơn cả số chi ngân sách cho giáo dục và y tế. Thay vì giảm thuế cho DN, nên chăng thu đúng thu đủ để có tiền chi cho giáo dục, y tế - những lĩnh vực đang cần đầu tư lớn mà luôn trong cảnh “hụt trước thiếu sau”. Trong khi đó, ưu đãi thuế không tạo ra sức cạnh tranh như mục tiêu ưu đãi.
Đã vậy FDI còn đang được hưởng những yếu tố đầu vào tốt hơn, như nhân công rẻ và làm việc cần cù, tình hình chính trị an toàn và ổn định… mà chính nhờ những yếu tố này, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các NĐT nước ngoài.
Với việc liên tục giảm thuế suất thuế TNDN và đến nay là 20%, AAV dẫn lời một số nhà kinh tế gọi xu hướng này là hội chứng “chạy đua xuống đáy”. AAV cho rằng, Chính phủ đang phụ thuộc quá nhiều vào các chính sách tài chính, bao gồm cả việc giảm thuế như một công cụ chính sách đầu tư.
Theo AAV, việc có nên coi giảm thuế như một công cụ chính sách hay không cần được quyết định trước hết dựa trên khả năng gây tác động đến quyết định đầu tư và sau đó là hiệu quả chi phí mang lại.
“Bản thân các chính sách ưu đãi thuế không tạo ra sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các biện pháp ưu đãi chỉ nên xếp sau các yếu tố quyết định cơ bản như nguồn lao động có tay nghề tốt, hệ thống pháp luật hiệu quả và hệ thống cơ sở hạ tầng tốt…”, Báo các của AAV lưu ý.
Con số 20 triệu USD nói trên, theo AAV, chủ yếu có được bằng hình thức chuyển giá (phân bổ thu nhập và chi phí giữa các công ty, các chi nhánh thuộc cùng một pháp nhân, thông qua hình thức chuyển giá để giảm số tiền thuế phải nộp của toàn hệ thống). Không dừng ở đó, AAV cho rằng trên thực tế, thất thu thuế vẫn còn rất lớn do các hành vi trốn thuế.
Trước vấn đề AAV nêu và trước câu hỏi về việc ngân sách bị giảm thu vì ưu đãi thuế quá nhiều cho DN FDI, và những ưu đãi này có đang khuyến khích các NĐT nước ngoài chuyển giá, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các DN lớn (Tổng cục Thuế), đã trả lời: “Về số liệu thiệt hại 20 triệu USD do ưu đãi thuế thì tôi không bình luận vì chưa biết số liệu này được tính như thế nào, ở nguồn nào?”.
Ông cho biết chính sách ưu đãi đầu tư của chúng ta là như nhau, không phân biệt NĐT trong nước hay nước ngoài, và nên coi những chênh lệch về thuế là chi phí cơ hội để thu hút đầu tư.
Đối với các DN FDI, chúng ta lựa chọn ưu đãi theo một số lĩnh vực, chứ không phải ưu đãi tràn lan, thu hút đầu tư bằng mọi giá. Với các tiêu chí đó, chúng ta vừa phát triển bền vững, vừa bảo vệ môi trường.
Bà Thảo lại không đồng tình với quan điểm này. Bà cho rằng, chúng ta đang sử dụng chi phí cơ hội một cách không khôn ngoan. Cái quan trọng nhất, khi giảm như vậy, chúng ta đã từ bỏ quyền đánh thuế của một quốc gia. Đấy là quyền của Nhà nước có trách nhiệm tái phân phối thu nhập, cung cấp dịch vụ công trong xã hội.
Theo bà, không nên miễn giảm cho DN như thế này mà nên thu để có nguồn thu quay lại đầu tư cho dịch vụ công, trước hết là đầu tư cho phụ nữ, trẻ em, cho y tế, giáo dục…
AAV cho rằng Chính phủ đang phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tài chính để thu hút đầu tư, coi giảm thuế TNDN như một công cụ nhưng đã không thành công mà lại còn làm xói mòn nguồn thu ngân sách.
“Cho dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp tích cực, thì vẫn cần có các quy định và chính sách nghiêm ngặt hơn để giải quyết tình trạng này, đi kèm với cơ chế theo dõi và kiểm tra chặt chẽ…”, AAV khuyến nghị.