Văn hóa Hà Nội sau 10 năm mở rộng
Điều dễ nhận thấy là trong 10 năm qua, tốc độ đô thị hóa, xây dựng của Hà Nội phát triển một cách chóng mặt. Áp lực về dân số, quy hoạch giao thông, trường học vẫn là một thách thức lớn đối với Thủ đô. Những điều đó có tác động vô cùng lớn đối với văn hóa đất kinh kỳ. Để Hà Nội phát triển hơn về mọi mặt, nhất là về văn hóa, xứng tầm của một thành phố hàng triệu dân thì còn rất nhiều việc phải làm.
Sự hòa quyện giữa vùng đất văn hiến Thăng Long với tinh hoa các vùng văn hóa khác được gìn giữ tốt đẹp, phát huy thế mạnh |
Sinh động về đời sốngvăn hóa
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, sự phát triển ồ ạt và dung nạp quá nhiều tính cách các vùng miền đã khiến vẻ đặc sắc của Hà Nội bị pha loãng. Nét đẹp văn hóa Tràng An dần mờ phai.
Cụ thể như, chúng ta chưa có văn hóa giao thông; Ở công viên, đường phố, chốn công cộng, chúng ta thiếu văn hóa xếp hàng, nạn vứt rác ra đường vẫn còn xảy ra nhan nhản. Nạn nói tục, chửi bậy, nhổ nước bọt không giữ ý cũng đã làm chốn công cộng trở nên hỗn tạp.
Lại nữa, khi đô thị phát triển theo chiều cao, hàng trăm tòa chung cư mọc lên thì đã hình thành nếp sống trong chung cư khá rõ nét. Nhớ thời Hà Nội trước năm 2005, cả thành phố chỉ có vài cao ốc mấy chục tầng, xa hơn là mấy khách sạn chừng 20 tầng.
Nhưng đến nay, con số đó là hàng ngàn. Một con số khủng khiếp. Cùng với đó là hàng vạn hộ gia đình sẽ sinh sống trên các tòa chung cư đó. Rất nhiều trong số đó là người từ các tỉnh, thành khác chuyển về. Điều đó có nghĩa là sẽ hình thành nếp sống trong chung cư, văn hóa trong chung cư. Mà nếp sống ấy lại được quy định bởi căn tính của người dân.
Một số ý kiến khác cho rằng, khi Hà Nội mở rộng về địa giới hành chính, không chỉ là đất đai và dân số tăng, mà Thủ đô còn nhận về sự đa sắc, sinh động trong cộng đồng. Điều đó cũng góp phần làm cho sắc màu văn hóa thêm đa dạng, đặc sắc. Khi kinh tế phát triển, nơi “đệ nhất kinh kỳ” sẽ có cơ hội hội tụ và kết tinh những ưu thế, được chọn lọc từ nhiều vùng của đất nước.
TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: Nét đẹp của con người luôn thay đổi theo thời gian. Không thể “bắt” người Hà Nội ngày nay cứ khư khư với “nét Tràng An” cũ. Dù có sáp nhập hay không thì văn hóa luôn tiếp biến.
Vượt lên thách thức vì Thủ đô phát triển
Sau khi hợp nhất Hà Tây, một huyện của Vĩnh Phúc và bốn xã tỉnh Hòa Bình, Thủ đô trở thành địa phương có nhiều di sản văn hóa nhất cả nước, gồm 5.922 di tích, có một Di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long), ba Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại; một Di sản tư liệu thế giới; 12 di tích Quốc gia đặc biệt và trên một nghìn di tích Quốc gia.
Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất: “Sau 10 năm, chúng ta vui mừng nhận thấy sự hòa quyện giữa vùng đất văn hiến Thăng Long với tinh hoa văn hóa Xứ Đoài cùng các vùng văn hóa khác được gìn giữ tốt đẹp, phát huy thế mạnh cùng Thủ đô tiến lên văn minh, hiện đại. Đời sống vật chất được tăng cao cùng với việc bồi đắp đời sống tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên. Các lễ hội dân gian được chú trọng đi sâu vào bản chất, tước bỏ các yếu tố mê tín dị đoan, tự nhiên chủ nghĩa, phô trương hình thức, lãng phí… để phù hợp với phong tục mới”.
Nhìn nhận dưới góc độ văn hóa, kiến trúc, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, từ khi mở rộng địa giới hành chính, mặt tích cực là diện tích nhà ở đã được tăng lên nhiều, từ đó người dân an tâm định cư, ổn định sinh kế. Từ nay trở đi, Hà Nội cần vượt qua khỏi những thách thức, khắc phục những mặt chưa được, hướng đến một Thủ đô văn hiến, trí tuệ, năng động, bền vững, an toàn và thân thiện.
Để làm được điều này, cần định ra một mục tiêu rõ ràng. Có mục tiêu sẽ có lộ trình thực hiện, trong đó không chỉ có cấp lãnh đạo mà từng công dân chúng ta cũng có một phần trách nhiệm vì mục tiêu chung.
Ở khía cạnh khác, với bề dày lịch sử, tài nguyên văn hóa phong phú, thành phố cần đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa, gắn với du lịch làng nghề, tăng chất lượng dịch vụ, lấy du lịch văn hóa làm cốt lõi.
Vấn đề phát huy giá trị làng nghề truyền thống cũng cần được quan tâm đúng mức. Chính sự phát triển đô thị, kinh tế, với nhiều sản phẩm công nghiệp đã làm không gian làng nghề bị co cụm lại, thu hẹp, đời sống người dân làng nghề, nghệ nhân gặp khó khăn. Các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho làng nghề hội nhập, giới thiệu sản phẩm. Các vẻ đẹp cần được gìn giữ, phát huy.
10 năm mở rộng địa giới hành chính là quãng thời gian chưa dài so với lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Song chúng ta đã được chứng kiến sự thay đổi và hòa quyện của những sắc màu văn hóa, đang bổ sung và kết hợp với nhau để cùng phát triển. Chúng ta hy vọng ở những năm sau nữa với tầm vươn cao, vươn xa hơn của văn hóa Hà thành.