VBSP góp phần hạn chế tín dụng đen
Thời gian qua, trên địa bàn Đăk Lăk có hàng trăm đối tượng chuyên hoạt động tín dụng đen. Hoạt động tín dụng đen len lỏi xuống nhiều thôn buôn vùng sâu, vùng xa. Theo đánh giá của cơ quan chức năng địa phương, thủ đoạn của các đối tượng cung cấp dịch vụ tín dụng đen rất tinh vi, nhiều mưu mô xấu để xiết nợ và cưỡng đoạt tài sản.
Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc VBSP Đăk Lăk cho hay, nguyên nhân gia tăng tín dụng đen là do người dân thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất, sinh hoạt gia đình nên đã tìm đến nguồn vốn tín dụng đen. Trong đó, có một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu kiến thức về cách thức, vay lãi suất.
Ảnh minh họa |
Mặc dù nhiều băng, nhóm, đối tượng hoạt động tín dụng đen, đã bị triệt phá nhưng tình hình hoạt động cung cấp dịch vụ tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên địa bàn vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Thời gian gần đây các nhóm đối tượng cung cấp dịch vụ tín dụng đen còn sử dụng phương thức mới, mời chào, cho vay tiền qua tài khoản Zalo, Facebook và các phương tiện Internet khác, quảng cáo, lôi kéo người dân tham gia vay tiền tín dụng đen, gây khó khăn cho lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra.
Theo ông Ân, để đối phó với tín dụng đen Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đăk Lăk đã có văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các ngành chức năng có giải pháp ngăn chặn tình trạng nêu trên.
Để tăng cường cung ứng vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, VBSP Đăk Lăk đã đẩy mạnh hoạt động cho vay ủy thác qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Đến nay, VBSP Đăk Lăk đang quản lý 17 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ. Hiện tổng dư nợ các chương trình khoảng 4.500 tỷ đồng, với hơn 203 ngàn khách hàng đang còn dư nợ.
Trong đó, nhóm các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế, tạo việc làm như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện… theo Quyết định 29 có dư nợ đạt 3.356 tỷ đồng, chiếm 76,81% tổng dư nợ, với hơn 130 ngàn khách hàng còn dư nợ. Nhóm các chương trình tín dụng dành cho tiêu dùng như nhà ở hộ nghèo, nhà ở xã hội, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có dư nợ trên 1.013 tỷ đồng, chiếm 23,19% tổng dư nợ, với trên 73 ngàn khách hàng còn dư nợ.
Ông Ân cho rằng, tín dụng chính sách xã hội giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từ nguồn vốn này, giúp cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội.
Cùng với đó, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn.
Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng vay lãi suất cao bên ngoài, bán sản phẩm non như lúa non, mía non...; trực tiếp làm giảm tỷ lệ cho vay nặng lãi, nhất là ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số…