Về với thiên nhiên xanh
Nhà chị ở Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ, cách đền Mẫu Âu Cơ chục cây số. Một ngôi nhà ngói khang trang ở đất liền, chị để lại cho con và cháu ở, chị chọn đồi chè xanh nơi giữa hồ nước rộng mênh mang để làm trang trại. Nơi đó cách đây hơn chục năm không có điện, sóng điện thoại thì phập phù và đương nhiên là chẳng có wifi rồi. Đến bây giờ cũng vẫn không 4G, 5G gì cả.
Cuộc sống của những hộ dân ở lòng hồ này tựa như khi đất trời còn là một. Họ đi lại bằng những chiếc thuyền (đeo) bằng xi măng, chèo chân hoặc dùng tay, bơi quều quào bởi hai mái chèo be bé. Cũng có nhà đã dùng xuồng máy, nhưng không nhiều. Mỗi lần lên chơi, chị lại đạp chiếc thuyền xinh xinh ra đón. Thảnh thơi như đi dạo trên hồ. Vào những khi trời mờ sương giăng, cảnh hồ như Lương Sơn Bạc trong phim. Thấp thoáng xa gần vài ba chiếc thuyền đeo qua lại, hoặc buông lưới, hoặc là đi công việc gì đó.
Cứ mỗi năm lên chị ăn Tết, là lại được gói bánh chưng bằng gạo nếp chị trồng, lợn chị nuôi và đỗ xanh cũng là organic một trăm phần trăm; lá dong để gói bánh thì ra sau đồi, bên mép nước cắt về và đương nhiên là luộc bếp củi rồi. Vớt bánh từ nồi ra, gọi là cứ ngon từ vỏ bánh, thơm từ nhân.
Lên nhà chị, không khí trong veo, chim chóc líu ríu… âm thanh của thiên nhiên, của một miền quê yên ả. Mới bốn, năm giờ sáng, chị đã lom khom dưới bếp nhóm lửa đun nước ủ chè xanh. Đồi chè ngay sau nhà, tôi theo chị leo lên đồi hái lá chè về ủ. Chị bảo hái những lá bánh tẻ pha uống ngon hơn. Cầm rổ chè xanh lá còn lóng lánh sương đêm, thơm mùi nhựa chè, tươi mởn thật ngon mắt, tôi thả gầu xuống giếng để múc nước rửa chè. Nước giếng mát lạnh. “Rửa chè xong chưa em ơi”. Tôi giật mình bởi tiếng gọi của chị. “Xong rồi, xong rồi đây. Tại thơm quá, em cứ mải hít hà nó”. Tôi chống chế. Chè xanh được ủ trong chiếc bình tích to đùng, giống như ngày xưa bà ngoại tôi vẫn làm.
Trong bếp, ngọn lửa bếp củi rực sáng hắt lên khiến mặt chị đỏ hồng. Vầng dương đã bừng sau dãy núi. Mùa này, trên hồ hoa súng phủ hồng từng đám tuyệt đẹp. Xong xuôi việc cám bã cho gà, lợn và mấy chú chó, chị lái thuyền đưa tôi sang chơi mấy nhà hàng xóm. Mỗi gia đình “cát cứ” một hòn đảo mà họ gọi là gò. Mỗi gò nho nhỏ cũng dăm bẩy nghìn mét vuông, rộng thì một vài héc-ta hoặc hơn thế. Chủ yếu đất trồng keo, một số nhà trồng chè.
Trước nhà là những cây bóng mát, cây ăn trái… Người dân ở đây làm nhà đơn giản, những ngôi nhà gạch cấp bốn, mái lợp fibro xi-măng, hoặc thưng bằng gỗ ván, thậm chí có nhà vẫn sân đất liếp che. Đa số họ không dùng bếp ga, mọi thứ nấu nướng được kê lên chiếc kiềng sắt và đun nấu bằng củi. Trước đây vẫn thế, bây giờ vẫn thế, cho dù cuộc sống không còn khó khăn như trước. Điện đã được kéo về và những gia đình có điều kiện có người đã lắp điều hòa, nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người dân ở đây vẫn quen với gió trời hơn gió điều hòa. Ngay cả nếp sinh hoạt vẫn mang tính cộng đồng làng xóm, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.
Dạo một vòng hồ, trên đường về nhà, những đám hoa súng trôi lãng đãng thật đẹp. “Đợi chị chút xuống kéo ít tép về kho tương ăn cơm”. Chị nói với tôi khi cặp thuyền vào bến cho tôi lên, còn chị lại quay mũi thuyền đi đâu đó chừng ba chục phút. Thấy tôi lom khom ngoài vườn, chị nói với: “Cắt ít rau mản về luộc ăn nhé”. Rau mản (rau tầm bóp) ở vùng quê hẻo lánh này mọc rợp bờ rào. Rau dền cơm, rau dại ở đây mọc quanh vườn, đi một vòng là đủ rau ăn các loại. Chỉ một loáng, tôi đã có rổ rau non búng. “Em đem ra giếng rửa để chị bắc bếp”. Tôi rất thích ngắm chị làm việc. Tay thoăn thoắt chấp củi nổi lửa. Nồi cơm điện chị có, nhưng chị chê cơm nấu nồi điện ăn nhão, không ngon. Chị chỉ quen ăn cơm nấu nồi gang bếp củi. Đồ ăn thức uống, cám bã… tất tật đều được nấu trên chiếc kiềng đỏ lửa.
Bữa trưa đơn giản mà ngon quá chừng. Đĩa cá cơm mà chị gọi là tép kho tương được vùi trong than đỏ, nhừ nục, đĩa rau láo nháo luộc và nồi cơm bếp củi thơm mùi củi lửa… Tất cả đều của đất trời ban tặng. Chị nói, ở nhà này, từ cái tăm, đôi đũa chị cũng vót lấy, không phải loại sấy qua diêm sinh như dưới Hà Nội, chỉ những thứ không thể làm được như bát đĩa, xoong nồi mới phải đi mua. Ngay dưới bến nước, chị cất ba gian nhà cũng làm toàn bằng gỗ xoan, gỗ mít chị trồng từ nhiều năm trước, mái lợp lá cọ chị chặt phơi từ vườn nhà. Cuộc sống cứ túc tắc, bình dị hòa cùng thiên nhiên như từ ngày xửa xưa vẫn thế.
Tôi vẫn nói đùa mỗi lần đến thăm chị rằng, tôi về với “Rô-Bin-Sơn” trên đảo vắng. Chỉ vắng thôi chứ không hoang vì vẫn nhiều cư dân sống. Nhiều lần tôi lôi bạn bè, những người sống với thiên nhiên và không bị phụ thuộc vào tiện nghi công nghiệp lên chơi với chị. Những khi ấy, chị cứ lụi cụi "đứng sau" chúng tôi, lo cho chúng tôi bữa ăn, chỗ ngủ. Chị lo cả ghe thuyền đưa chúng tôi đi chơi cho thỏa thích. Nhìn chúng tôi chơi vui, thi nhau chụp ảnh, "diễn trò", chị chỉ cười chẳng nói gì, nhưng trong mắt chị, tôi thấy ánh lên niềm hạnh phúc.
Tết này tôi lại lên với chị để gói bánh chưng. Những tấm bánh chẳng phải ra chợ, chỉ loanh quanh trên quả đồi ngót 2 ha là có đủ đầy. Và muôn hoa đang rực rỡ đón xuân về…