Vi phạm về thuế và nợ thuế tăng
Tổng cục Thuế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa | |
Các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế đạt 1.800 tỷ đồng |
Nhiều doanh nghiệp lớn bị phạt
Thống kê của ngành Thuế cho thấy, trong tháng 1/2023 vừa qua, hàng loạt các DN lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề đã bị phạt, truy thu thuế. Nguyên nhân chủ yếu nhất là do vi phạm hành chính về kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN thiếu so với số thuế cần nộp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và xuất khẩu nông sản, ghi nhận cho thấy, các DN khá uy tín như CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, CTCP Thực phẩm Hữu Nghị, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Phân lân Văn Điển, Masan MEATLife… đều có trong danh sách các DN bị phạt, truy thu từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng tiền thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng.
Ngành Thuế sẽ có chế tài xử phạt các DN cố tình trì hoãn xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế |
Ở lĩnh vực bất động sản, xây dựng ngoài danh sách các DN đang có số nợ thuế hàng trăm tỷ đồng, các tập đoàn lớn như Vinaconex 2, SCG, Hacisco, Bất động sản An Gia, Thuduc House… hiện cũng đã bị phạt, truy thu từ vài trăm tỷ đồng đến 20 tỷ đồng tiền thuế các loại cho năm tài chính 2021. Các lĩnh vực khác như dệt may, nhựa bao bì, công nghiệp ô tô; nhiều DN lớn như: Dệt may Thành Công, Nhựa Tân Tiến, Ô tô Trường Long… cũng nằm trong danh sách các DN bị ngành thuế truy thu từ vài trăm đến hàng chục tỷ đồng do sai phạm trong quá trình khai nộp thuế.
Tổng hợp số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, đến cuối tháng 1/2023 các địa phương đã thực hiện gần 800 cuộc thanh, kiểm tra về thuế tại các DN. Đã có khoảng gần 1.200 hồ sơ thuế được rà soát, qua đó phạt và truy thu khoảng 692 tỷ đồng, tăng 83,3% so với cùng kỳ. Cũng tính đến cuối tháng 1/2023, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước khoảng 141.900 tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm 2021. Đến hiện nay, còn khoảng 76.700 tỷ đồng tiền thuế DN nợ đọng được xếp vào diện có khả năng thu. Số còn lại (khoảng 65.200 tỷ đồng) nhiều khả năng sẽ khó thu hồi do DN không còn khả năng thanh toán hoặc do nhiều nguyên nhân khác.
Vừa đôn đốc tăng thu, vừa giãn hoãn
Theo Tổng cục Thuế, năm 2023 Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Thuế dự toán thu ngân sách nhà nước là khoảng trên 1.373.200 tỷ đồng; Ngoài thu từ dầu thô thì dự toán thu nội địa sẽ đạt khoảng 1.331.200 tỷ đồng.
Ngành Thuế nhận định, các chính sách miễn, giảm thuế ban hành năm 2022 vẫn còn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Mặt khác Chính phủ vẫn đang nghiên cứu để trình Quốc hội một số giải pháp gỡ khó khăn cho DN. Vì thế áp lực trong việc thu ngân sách nội địa sẽ là khá lớn. Do vậy, việc đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra về thuế, tăng thu thuế nợ đọng rất cần được các địa phương đẩy mạnh nhằm đảm bảo thu ngân sách đạt chỉ tiêu và đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ tài chính.
Ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã đặt ra 10 nhóm giải pháp chính nhằm tăng thu ngân sách thông qua hoạt động thu thuế nội địa. Trong đó, ngoài các nhóm giải pháp cải cách hành chính, hoạt động mở rộng các dịch vụ thuế điện tử sẽ được tập trung đẩy mạnh nhằm khai thác hiệu quả việc thu thuế các DN, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số và kinh doanh xuyên biên giới. Về thu thuế các hoạt động thương mại điện tử, ông Vân cho biết thêm: trong năm nay ngành Thuế sẽ ban hành chế tài phạt các đơn vị cố tình trì hoãn xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế. Hiện Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an và các bộ ngành địa phương liên quan để triển khai thí điểm giai đoạn 1 tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM. Sau đó sẽ triển khai mở rộng trên cả nước đối với hoạt động xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế.
Cũng trong năm nay, để bù đắp các nguồn thu sụt giảm, ngành Thuế sẽ chủ động đánh giá từng khoản thu, triển khai các giải pháp tăng thu. Chẳng hạn đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, hiện nay các số liệu thống kê đang cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2023 sụt giảm khoảng 17,3% so với tháng 12/2022. Vì thế Bộ Tài chính sẽ bám sát xu hướng xuất nhập khẩu để đánh giá tác động tới nguồn thu từ lĩnh vực này. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đang đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 1 đến tháng 5/2023 (nếu khai theo tháng) và quý I/2023 (nếu khai theo quý), gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6/2023 và quý II/2023. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Tổng số thuế giá trị gia tăng được gia hạn dự kiến khoảng 64.000-65.000 tỷ đồng, tuy nhiên DN vẫn phải nộp trước 31/12 nên không ảnh hưởng số thu ngân sách nhà nước.
Đối với thuế thu nhập DN, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 3 tháng thời hạn tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập DN năm 2023. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập DN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Ước tính số thuế được gia hạn khoảng 42.800 - 43.600 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đề xuất cho phép hộ cá nhân kinh doanh được chậm nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, muộn nhất tới 30/12/2023.
Đối với tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của DN, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5 đến ngày 30/11/2023. Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 tỷ đồng. Số thu ngân sách nhà nước của năm 2023 không giảm do DN, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước trước ngày 30/11/2023.