Viện Chiến lược Ngân hàng: Tiếp tục đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học, chiến lược ngành Ngân hàng
Ngân hàng với tăng trưởng xanh Thông báo tuyển dụng viên chức vào làm việc tại Viện Chiến lược Ngân hàng Viện Chiến lược ngân hàng: Những định hướng cho bước tiến dài của chặng đường tương lai |
15 năm một chặng đường dựng xây
Phát biểu tại buổi lễ, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nguyễn Thị Hòa chia sẻ, xuyên suốt 15 năm hoạt động, Viện thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban lãnh đạo NHNN, sự cộng tác của các đơn vị trong và ngoài ngành, sự tin tưởng, phối hợp của các nhà khoa học, các cộng tác viên và các đối tác khoa học của Viện. Đồng thời, tập thể Viện đã kế thừa và phát huy hiệu quả truyền thống của các thế hệ đi trước, không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, đoàn kết thống nhất nội bộ, tạo được sự đồng thuận, phát huy nội lực, sức mạnh đoàn kết. Với những nỗ lực và sự hỗ trợ đó, Viện Chiến lược Ngân hàng đã đạt được những kết quả nhất định trên chặng đường 15 năm qua như tổ chức khoa học, bài bản, hiệu quả công tác xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện các Chiến lược/Chương trình/Kế hoạch/Đề án; Chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác quản lý khoa học và công nghệ ngành Ngân hàng.
Theo đó, hoạt động quản lý khoa học - công nghệ của ngành Ngân hàng đã có nhiều sự thay đổi về công tác tổ chức, triển khai các hoạt động, góp phần vào việc chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa công tác quản lý khoa học - công nghệ.
Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nguyễn Thị Hoà phát biểu tại buổi lễ |
Trong 15 năm qua, đã có tổng số trên 300 nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp Bộ và trên 60 nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp cơ sở của NHNN được triển khai thực hiện. Tỷ lệ nhiệm vụ khoa học và công nghệ được chuyển giao ứng dụng tăng nhanh qua các năm. Cụ thể tỷ lệ này trong các năm gần đây: 2020 là 84%, năm 2021 và 2022 đều đạt 100%. Đến nay gần như không còn đề tài, dự án nghiên cứu quá hạn.
Toàn cảnh buổi lễ |
Bên cạnh đó, Viện cũng triển khai hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và nâng cao năng lực nghiên cứu, đây là hoạt động được Viện xác định là nhiệm vụ then chốt. Trong 15 năm qua, đã có 60 sản phẩm nghiên cứu dưới hình thức các đề tài, các báo cáo chuyên đề về hầu hết các lĩnh vực trọng yếu trong ngành Ngân hàng như Chính sách tiền tệ, Thanh tra giám sát, Thanh toán... do chính cán bộ của Viện chủ trì tổ chức nghiên cứu. Các sản phẩm nghiên cứu cơ bản đã bắt kịp các chủ đề “nóng”, có tính thời sự của Ngành, bám sát những vấn đề thực tiễn phát sinh tại các vụ, cục thuộc NHNN và các TCTD. Qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để ban hành các cơ chế chính sách phục vụ công tác quản lý, điều hành của NHNN…
Tiếp tục nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bối cảnh mới
Tại buổi Lễ, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đã đạt được của tập thể cán bộ, công chức, viên chức Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhận định, 15 năm qua, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Viện đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đạt được thành tích quan trọng trong công tác nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Ngân hàng cũng như triển khai việc nghiên cứu, quản lý và chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong Ngành.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà Viện Chiến lược Ngân hàng đã đạt được trong 15 năm qua |
Theo Phó Thống đốc, Cuộc CMCN lần thứ tư với những đột phá chưa từng có về công nghệ liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn… đang thúc đẩy các nền kinh tế truyền thống chuyển đổi sang kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo. Trong đó chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn có sự tác động rất lớn đến các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội của các nước trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng cũng đứng trước nhiều sự thay đổi mạnh mẽ. Như sự phát triển của các loại tiền kỹ thuật số không phải do NHTW phát hành sẽ buộc các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải quan tâm nghiên cứu để thay đổi cách thức điều hành chính sách tiền tệ trước khả năng ảnh hưởng của các loại tiền này.
Vì vậy, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ của ngành Ngân hàng cần đạt được những bước phát triển đột phá, thực sự trở thành động lực cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của toàn Ngành, góp phần vào phát triển chung của đất nước.
Tập thể Viện Chiến lược Ngân hàng vinh dự nhận Cờ thi đua của NHNN |
Để làm tốt những điều nói trên, Phó Thống đốc đề nghị Viện Chiến lược Ngân hàng phát huy những thành quả đã đạt được, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực hơn nữa để xây dựng Viện xứng tầm với vai trò đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học. Từ đó, góp phần phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, Phó Thống đốc yêu cầu Viện cần tiếp tục tham mưu cho Ban Lãnh đạo NHNN xây dựng các chiến lược, kế hoạch hành động, đề án lớn; triển khai và giám sát triển khai các chiến lược, các kế hoạch phát triển trong ngắn, trung và dài hạn trong ngành Ngân hàng nhằm đảm bảo các nhiệm vụ được thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và đạt yêu cầu.
1 tập thể và 7 cá nhân vinh dự nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN |
Tăng cường mối liên hệ với các đơn vị chức năng của NHNN cũng như các TCTD để chủ động đề xuất, tham mưu cho Hội đồng Khoa học và công nghệ Ngành các vấn đề cần nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thực tiễn, mang tính “đón đầu” các xu hướng mới và có tính ứng dụng cao. Các nghiên cứu phải thiết thực, giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra cho hệ thống ngân hàng, trong đó đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực là hoạt động trụ cột của NHNN như hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, vận hành và giám sát hệ thống thanh toán, hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng và đảm bảo an toàn hệ thống, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý và phát triển dịch vụ ngân hàng…
Trong hoạt động nghiên cứu, bên cạnh việc thực hiện nghiên cứu các chuyên đề theo đặt hàng của NHNN, Viện cũng cần đẩy mạnh việc trao đổi, hợp tác, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng của các sản phẩm nghiên cứu khoa học, phấn đấu trở thành một trong những “hạt nhân nghiên cứu” hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam.
Ngoài ra, nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của Viện thông qua hoạt động hợp tác quốc tế như vai trò đầu mối, kết nối hoạt động nghiên cứu giữa các đơn vị trong ngành Ngân hàng với các tổ chức quốc tế như IMF, WB...; phát huy vai trò là đầu mối của NHNN tham gia Mạng lưới Nghiên cứu Châu Á (ARN), chủ động phối hợp với các đơn vị trong ngành Ngân hàng tích cực tham gia các hội thảo do Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) phối hợp ARN đồng tổ chức. Viện cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
"Trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Viện Chiến lược Ngân hàng cần xác định thật rõ mục tiêu phấn đấu trong dài hạn và cho từng thời kỳ, hoạch định các giải pháp cụ thể để tập trung thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm. Qua đó, từng bước nâng cao hơn nữa uy tín, thương hiệu của Viện trong công tác nghiên cứu, quản lý khoa học công nghệ và hoạch định chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, góp phần phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, đồng chí Lê Việt Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, NHNN thừa uỷ quyền của Thống đốc NHNN đã trao Cờ Thi đua của NHNN cho tập thể Viện Chiến lược Ngân hàng. Đồng thời, Văn phòng Viện Chiến lược Ngân hàng cùng 7 cá nhân cũng đã được Thống đốc tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc góp phần hoàn thành nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021-2022. |