Viện Chiến lược ngân hàng: Những định hướng cho bước tiến dài của chặng đường tương lai
Viện Chiến lược Ngân hàng - 10 năm một chặng đường Viện Chiến lược ngân hàng: Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn |
Bà Nguyễn Thị Hòa Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng |
Một số kết quả đạt được
Đầu tiên phải nói đến nhiệm vụ xây dựng và triển khai các chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển của Ngành. Thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Thụy Sĩ, cùng sự tự học hỏi và sự tham vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tư duy xây dựng Chiến lược đã được hình thành. Sau nhiều năm nỗ lực, năm 2018, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành (theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ), đây là Chiến lược chính thức đầu tiên tạo ra một định hướng cho sự phát triển đồng bộ của ngành Ngân hàng. Tiếp sau đó, năm 2020, Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành (theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ) với mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Có thể nói việc xây dựng, ban hành 2 Chiến lược lớn này có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung; là minh chứng cho sự trưởng thành và nâng vị thế của Viện CLNH.
Bên cạnh 2 Chiến lược, Viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và giám sát nhiều Kế hoạch, Đề án lớn, như: Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (theo Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 của Thống đốc NHNN); Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (theo Quyết định số 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018 của Thống đốc NHNN); Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 2617/QĐ-NHNN ngày 28/12/2018 của Thống đốc NHNN)...
Quản lý hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng là nhiệm vụ vốn có của Viện từ khi Viện còn hoạt động dưới mô hình một đơn vị hành chính Nhà nước. Năm 2015, Viện đã xây dựng và tham mưu trình Thống đốc ban hành Thông tư số 37/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 quy định về quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của NHNN Việt Nam. Với việc điều chỉnh Quy trình xây dựng, triển khai các định hướng/chủ đề nghiên cứu theo hướng đa chiều, nâng cao tiêu chí xếp loại và mở rộng đối tượng tham gia đối với các nhiệm vụ KH&CN đã giúp đa dạng hóa hình thức nghiên cứu, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn của Ngành, thành lập Cổng Thông tin KH&CN Ngân hàng, tổ chức các hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu; phát hành các ấn phẩm trên cơ sở các chủ đề mới.
Mỗi năm, Viện đã hoàn thành từ 7 đến 9 chủ đề nghiên cứu chuyên sâu trong hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của Ngành, như: chính sách tiền tệ, thanh tra, giám sát, thanh toán, công nghệ thông tin…; các kết quả nghiên cứu của Viện được Ban Lãnh đạo NHNN đánh giá cao, cung cấp nhiều luận cứ khoa học, đảm bảo yếu tố thực tiễn, hỗ trợ tích cực cho công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN. Trong đó, nhiều chuyên đề được sử dụng để tham khảo trong quá trình xây dựng các Nghị quyết của Đảng, như: Báo cáo tổng kết việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong ngành Ngân hàng qua 30 năm đổi mới (1986-2016); Báo cáo nghiên cứu Công tác quản lý, điều hành của NHNN giai đoạn 2011-2015: sức mạnh của đổi mới. Bên cạnh các Chuyên đề, Viện đã trực tiếp chủ trì xây dựng, phát hành được nhiều ấn phẩm có giá trị, nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả như “Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính”, “Hỏi đáp về Tài chính toàn diện”, “Ngân hàng với tăng trưởng xanh”, “Quản trị rủi ro theo Basel II - Thực trạng triển khai tại các NHTM Việt Nam và khuyến nghị chính sách”…
Không chỉ đảm đương một khối lượng lớn công việc chuyên môn, từ cuối 2018, Viện đã phải thực hiện cơ chế tự chủ tài chính một phần chi thường xuyên. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng bằng trí tuệ tập thể, sự trách nhiệm và tinh thần vượt khó, các giải pháp cũng dần được hiện hữu, nhận được sự ủng hộ của Ban Lãnh đạo NHNN và các vụ, cục liên quan. Tuy khó khăn vẫn tiếp tục tạo áp lực, thực tế từ khi tự chủ đến nay, thu nhập của CBCCVC Viện không thấp hơn thu nhập của cán bộ các đơn vị, vụ, cục thuộc NHNN. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận.
Khó khăn và thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn, thách thức sẽ phải đối diện để tìm giải pháp khắc phục.
- Về nguồn nhân lực: cho đến nay chúng ta đã có một đội ngũ đông đảo cán bộ được đào tạo bài bản với học vị cao (7 tiến sỹ, 20 thạc sỹ, 11 cử nhân đại học) nhưng số cán bộ có khả năng nghiên cứu độc lập còn rất hạn chế… số lượng cán bộ cũng còn thiếu so với khối lượng công việc phải đảm đương.
- Về công tác chuyên môn: do hạn chế về nguồn nhân lực nên nhiều chức năng, nhiệm vụ của Viện chưa được triển khai hoặc triển khai còn hạn chế như hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, hoạt động đào tạo, tư vấn, phản biện chính sách…
- Về công tác tự chủ tài chính: nguồn thu từ ngân sách nhà nước dần bị thu hẹp do chủ trương tiết kiệm của Nhà nước; nguồn thu từ dịch vụ ngoài ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn…
- Bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và thế giới nhiều biến động, cách mạng khoa học công nghệ đang len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn dắt sự đổi thay của mọi lĩnh vực…
Viện CLNH tiếp tục có những đổi mới rõ nét nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN hoàn thành tốt nhất sứ mệnh mà NHNN giao phó |
Định hướng phát triển
Hiện nay, hơn bao giờ hết, hoạt động KH&CN được Đảng, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm như hiện nay; Chiến lược ngành Ngân hàng cũng khẳng định rõ quan điểm ứng dụng KH&CN, đổi mới, sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao chính là những thành tố chính, then chốt cho quá trình phát triển nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của hệ thống ngân hàng so với khu vực và thế giới. Vì vậy, Viện CLNH phải tiếp tục có những đổi mới rõ nét nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN hoàn thành tốt nhất sứ mệnh mà NHNN giao phó. Cụ thể:
* Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao hơn nữa vị thế của Viện trong hoạt động của Ngành: Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giám sát các Chiến lược/Kế hoạch/Đề án Viện được giao đầu mối. Trước mắt, nghiên cứu để tham mưu xây dựng các mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn 2026-2030 cho Chiến lược phát triển ngành và Chiến lược tài chính toàn diện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động KH&CN ngành, trong đó:
+ Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng các sản phẩm nghiên cứu chuyên sâu, ưu tiên tập trung nguồn lực nghiên cứu những chủ đề nóng, có tính thời sự, những vấn đề thực tiễn phát sinh tại các vụ, cục thuộc NHNN và các TCTD.
+ Làm tốt vai trò Thường trực Hội đồng KH&CN ngành Ngân hàng, huy động trí tuệ tập thể của lực lượng các nhà khoa học trong xử lý các vấn đề lớn, vấn đề nóng của Ngành.
+ Triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành theo Quyết định số 957/QĐ-NHNN ngày 24/5/2023 của Thống đốc NHNN).
* Kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ: Bổ sung nguồn nhân lực và hoàn thiện các vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc, trong đó ưu tiên tăng cường đội ngũ cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm thực tiễn, đã được đào tạo chuyên sâu.
* Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước: Thực hiện tốt vai trò đầu mối, kết nối hoạt động nghiên cứu giữa các đơn vị trong ngành Ngân hàng với các tổ chức quốc tế như IMF, WB …; Phát huy vai trò là đầu mối của NHNN tham gia Mạng lưới Nghiên cứu Châu Á (ARN), chủ động phối hợp với các đơn vị trong ngành Ngân hàng tích cực tham gia các hội thảo do Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) phối hợp ARN đồng tổ chức.
* Triển khai hiệu quả công tác tự chủ: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Ban lãnh đạo NHNN áp dụng cơ chế tài chính phù hợp, đảm bảo sự phát triển của Viện; nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu, từng bước nâng cao tỷ lệ tự chủ theo quy định, đảm bảo được thu nhập ổn định và thỏa đáng cho CBCCVC.
Để đạt được mục tiêu trên, sự nỗ lực của Chi ủy, Ban Lãnh đạo trong chỉ đạo định hướng toàn diện mọi mặt hoạt động của Viện và sự đồng thuận, quyết tâm của toàn thể CBCCVC là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của Viện. Do đó, mỗi CBCCVC cần rèn luyện bản thân, hình thành tác phong, lề lối làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả; thường xuyên trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ; nuôi dưỡng niềm đam mê, trách nhiệm đối với công việc.
15 năm - một chặng đường đáng nhớ, đánh dấu một giai đoạn phát triển của Viện CLNH, những thành quả đạt được tuy chưa nhiều nhưng thật là đáng quý, là nền tảng để vươn tới những mục tiêu mới trong tương lai. Đồng thời, trong mỗi CBCCVC Viện CLNH, đặc biệt là lớp cán bộ trẻ kế cận luôn tràn đầy nhiệt huyết cống hiến, niềm tin vào những chặng đường mới, mở ra những thành công mới và cơ hội mới cho Viện CLNH.