Việt Nam sẽ “viết tiếp câu chuyện tăng trưởng”
2021 - Một năm sóng gió
Tăng trưởng GDP quý III/2021 suy giảm tới 6,17% vì ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng của đợt dịch lần thứ 4 là nguyên nhân chính khiến các tổ chức, định chế tài chính nước ngoài điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng 2021 trong các báo cáo cập nhật mới nhất của mình. Ấn bản bổ sung cho báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021 của ADB phát hành giữa tháng này đã điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 xuống mức 2% từ mức 3,8% trong dự báo của ADO cập nhật đưa ra vào tháng 9. “Triển vọng kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2021 bị phủ bóng bởi tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao, hạn chế đi lại tiếp tục được duy trì ở một số tỉnh và nguồn cung lao động ở các thành phố trọng điểm. Hơn nữa, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp sẽ cản trở mục tiêu thúc đẩy nhu cầu trong nước”, Ấn bản bổ sung báo cáo ADO nêu.
“Rủi ro lớn nhất cho triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn là sự tăng nhanh của các ca nhiễm Covid-19. Chính vì vậy, báo cáo ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 xuống mức 2%”, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam trao đổi với Thời báo Ngân hàng.
Sản xuất phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát |
Ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cũng nhận định, năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với Việt Nam. “Dự báo tăng trưởng GDP trung bình toàn cầu năm 2021 khoảng 5 - 6%, trong khi đó GDP Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 2% (thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% đưa ra thời điểm tháng 8/2021)”, chuyên gia này cho biết.
Tuy nhiên những diễn biến kinh tế tích cực đã xuất hiện trở lại từ đầu quý IV/2021 đã khiến hầu hết các tổ chức quốc tế giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam. Cụ thể, ADB duy trì dự báo mức tăng trưởng 6,5%; HSBC dự báo 6,8%...; hay Ngân hàng UOB mới đây dự báo khả quan hơn ở mức 7,4% tăng trưởng cho năm 2022 và cho rằng sự phục hồi sẽ diễn ra mạnh mẽ ngay từ quý IV/2021 với kỳ vọng mức tăng trưởng quý này có thể đạt 7%, qua đó giúp tăng trưởng GDP 2021 phục hồi lên mức 3%.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 còn cao và có chiều hướng tiếp tục gia tăng, song nền kinh tế đã có xu hướng phục hồi tích cực hơn. “ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn, với chi tiêu tiêu dùng, sản xuất và thương mại đang dần phục hồi”, ông Andrew Jeffries cho biết.
Cùng quan điểm, kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset đánh giá, mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2022 của Việt Nam là hoàn toàn khả thi. “Dự báo Việt Nam có thể sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng của thời kỳ trước đại dịch, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa” chuyên gia này nhận định, nhưng đi kèm hai điều kiện quan trọng: Thứ nhất, kiểm soát tốt đại dịch cũng như hy vọng Việt Nam và thế giới sẽ không phải trải qua một cuộc khủng hoảng nào nữa vì Covid (dù không ai dám chắc về điều này); Thứ hai, Chính phủ sẽ triển khai kích cầu nền kinh tế thông qua những ban hành các gói tài khóa mạnh mẽ hơn như nhiều quốc gia khác đã thực hiện, thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo mới và bảo vệ việc làm để người lao động duy trì được thu nhập từ đó tăng chi tiêu.
Vững tin để hành động
Để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng các chính sách vĩ mô đóng vai trò quan trọng. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo. “Với dư địa tài khóa được củng cố các năm gần đây và trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường Việt Nam có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế”, chuyên gia này nhận định.
Theo các chuyên gia và tổ chức nước ngoài, điều quan trọng là cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn. Ví dụ với gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới khoảng 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5 - 7% GDP. Bên cạnh đó, phải đáp ứng các tiêu chí như: kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm… để mang lại hiệu quả như mong đợi.
Ở góc nhìn khác, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của HSBC cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại và tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký trong vòng hai năm qua. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng sẽ thúc đẩy tiêu dùng (nhất là trong các hoạt động giải trí, du lịch…). Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục “tiếp thêm nhiên liệu” cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tái tạo/năng lượng xanh.
Thế nhưng các tổ chức quốc tế cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế trong thời gian tới. Theo ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, biến chủng Omicron đang là một rủi ro khiến các chuyên gia thực sự đau đầu để dự báo về tương lai. Điều đó cho thấy yếu tố bất ổn nhất vẫn chính là Covid với nguy cơ xuất hiện các biến chủng tiếp theo.
Tuy nhiên theo ông, trong tương lai, dù bất kỳ đợt bùng dịch nào cũng cần được kiểm soát bằng giải pháp hạn chế hoặc giãn cách khoanh vùng ở mức độ nhỏ nhất thay vì áp dụng trên diện rộng như nhiều nước đã triển khai trong năm 2021 và để lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế. “Tôi vẫn luôn có một niềm tin tích cực vào cơ hội và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Với độ phủ vắc-xin nhanh chóng và rộng rãi, Việt Nam có thể sẵn sàng để cơn khủng hoảng mang tên Covid ở lại phía sau và viết tiếp câu chuyện tăng trưởng kinh tế tươi sáng”, ông Tim Evans nói.