Việt Nam tham dự cuộc họp Văn phòng Nhóm Đông Nam Á của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới
Hình ảnh đại biểu tham dự cuộc họp tại các điểm cầu (chụp màn hình) |
Cuộc họp do Giám đốc điều hành SEAVG của IMF - bà Alisara Mahasandana và Giám đốc điều hành SEAVG của WB - ông Mohd Hassan Ahmad - đồng chủ trì. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các Ngân hàng trung ương (NHTW), Bộ Tài chính các nước trong khối Đông Nam Á và đại diện lãnh đạo của WB, IMF. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cuộc họp SEAVG năm nay tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tại cuộc họp này, các Giám đốc điều hành SEAVG IMF và WB đều đưa ra những nhận định tương đối tích cực về tình hình kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng. Cụ thể, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự kiến và kết quả này có được nhờ sự hỗ trợ từ các phản ứng chính sách chưa từng có và những bước tiến nhanh chóng trong việc phát triển vắc xin phòng ngừa COVID. Tuy nhiên, lộ trình phục hồi kinh tế giữa các quốc gia khác nhau và không chắc chắn tùy theo sự khác biệt giữa các quốc gia. Mặt khác, nền kinh tế thế giới cũng đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc phân phối vắc xin và hạn chế trong nguồn cung vắc xin cũng như khả năng rủi ro do dịch bệnh bùng phát trở lại. Đối với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, việc nới lỏng các chính sách ở các nền kinh tế lớn có thể dẫn đến những đợt biến động dòng vốn lớn và khiến cho tình trạng tài chính bị thắt chặt. Ngoài ra, các nền kinh tế mới nổi cũng phải tiếp tục xử lý những rủi ro từ căng thẳng thương mại và những vấn đề còn tồn tại trước đại dịch như mức nợ cao hay sự gia tăng của bất bình đẳng xã hội.
Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành SEAVG IMF cũng đã cập nhật những hoạt động dự kiến sẽ tiến hành của Quỹ. Theo đó, hiện tại, Quỹ đang tăng cường nghiên cứu nhằm tiến hành điều chỉnh phương pháp luận mô hình đánh giá kinh tế của mình nhằm giúp đưa ra các phân tích phù hợp hơn với tình hình cụ thể của từng quốc gia thành viên. Ngoài ra, Quỹ cũng đang phối hợp với G20 để tăng cường công tác tái cơ cấu nợ công, giãn nợ và xóa nợ cho các nước nghèo. Liên quan đến các tiến bộ công nghệ gần đây về tiền kỹ thuật số mới, IMF đang nghiên cứu để xem xét tác động của việc ứng dụng rộng rãi tiền kỹ thuật số đối với sự ổn định kinh tế tài chính trên thế giới. Một số vấn đề khác liên quan đến rà soát và góp vốn lần 16 cũng được các Giám đốc điều hành thông báo và dự kiến, sẽ kết thúc vào tháng 12/2023.
Giám đốc điều hành SEAVG WB chia sẻ về các biện pháp chính sách mà WB đã và đang hỗ trợ các nước thành viên khu vực ứng phó với COVID-19 trong thời gian qua. Từ tháng 4/2020 đến nay, cam kết hỗ trợ các thành viên ứng phó COVID-19 chiếm tỷ trọng lớn trong tài trợ của WB (58%), tương đương với 32,5 tỷ USD. Hỗ trợ của WB tập trung vào 4 lĩnh vực chính: (i) Hỗ trợ ứng phó y tế công cộng khẩn cấp nhằm ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các nguy cơ do COVID-19 gây ra, đồng thời tăng cường sự sẵn sàng của hệ thống y tế quốc gia; (ii) Bảo vệ người nghèo và đối tượng yếu thế thông qua việc hỗ trợ chính phủ các nước duy trì việc cung cấp dịch vụ và sinh kế cho người dân; (iii) Thúc đẩy các cải cách nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân để các doanh nghiệp có khả năng tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh; (iv) hỗ trợ các nước phục hồi kinh tế một cách bền vững, bao trùm, có khả năng thích ứng, trong đó chú trọng đến các yếu tố tăng trưởng xanh, số hóa, sức khỏe cộng đồng và hướng tới các hoạt động sản xuất năng suất cao.
Trong phiên trao đổi, thảo luận, đại diện NHNN ghi nhận các nỗ lực của các Giám đốc điều hành SEAVG IMF/WB trong việc đại diện quyền lợi của các nước hội viện tại IMF/WB trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh vừa qua. Việt Nam hy vọng IMF sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho cán bộ. Đại diện NHNN cũng nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên, NHNN đề nghị Văn phòng ủng hộ và có tiếng nói để WB xem xét gia hạn trả nợ nhanh các khoản vay từ nguồn vốn ưu đãi (IDA) để giúp Việt Nam có thêm nguồn lực ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế một cách bền vững. Cuối cùng, đại diện Việt Nam đánh giá cao những hoạt động hỗ trợ, viện trợ của WB liên quan phòng, chống COVID đồng thời cam kết nỗ lực tận dụng những nguồn lực này nhằm khôi phục, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn mới - hậu COVID.