Việt Nam tụt hạng chỉ số phát triển du lịch
Tốt ở những điều kiện cần
Theo báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số Phát triển du lịch (TTDI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 59, giảm 7 bậc so với năm 2021. Tổng điểm Việt Nam đạt được là 3,96 trên 7, giảm 0,14% so với tổng điểm 4,1 của 2021.
Trong khối ASEAN, bên cạnh Singapore là quốc gia có thứ hạng cao nhất (xếp thứ 13), các quốc gia khác có thứ hạng xếp trên Việt Nam gồm: Indonesia hạng 22, Malaysia hạng 35, Thái Lan hạng 47. Việt Nam đứng trên Philippines (hạng 69), Campuchia (hạng 86) và Lào (hạng 91). Indonesia là quốc gia được đánh giá tăng trưởng tốt nhất so với 2021 trong khu vực khi tăng 14 bậc, từ 36 lên 22.
TTDI là bản nâng cấp của chỉ số Năng lực Cạnh tranh Du lịch của WEF công bố hai năm một lần, dựa trên bối cảnh mới sau đại dịch Covid-19. Bộ chỉ số được xếp hạng dựa trên 5 nhóm chính gồm: môi trường hoạt động, chính sách và điều kiện hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch, và sự bền vững của du lịch.
Năm nhóm chỉ số trên chia thành 17 lĩnh vực để chấm điểm như: An ninh, an toàn; y tế và vệ sinh; chính sách mở cửa; hạ tầng du lịch, vận chuyển; tài nguyên tự nhiên, văn hóa; bền vững của môi trường… Các lĩnh vực này được hình thành dựa trên hơn 100 tiêu chí nhỏ khác. Bảng xếp hạng công bố năm 2024 được WEF thực hiện với 119 quốc gia, vùng lãnh thổ trong năm 2023.
![]() |
Chỉ số tốt nhất của ngành du lịch Việt năm nay là giá cả cạnh tranh với 5,68 điểm, xếp hạng 16; An ninh, an toàn đạt 6,19, xếp hạng 23. Việt Nam cũng được đánh giá cao về các chỉ số trong nhóm tài nguyên du lịch và lữ hành như chỉ số tài nguyên thiên nhiên hạng 26, tài nguyên văn hóa hạng 28 và tài nguyên khác ngoài giải trí-nghỉ dưỡng hạng 38.
Trong khi đó, điểm thấp nhất của ngành du lịch Việt Nam năm nay là hạ tầng dịch vụ với 2,2 điểm, xếp hạng 80 trên 119.
Cần thêm những điều kiện đủ
Số liệu trên cho thấy, mặc dù có nhiều lợi thế về tài nguyên, cảnh quan, nhưng ngành du lịch Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực, bởi lợi thế sẵn có chỉ là điều kiện cần, còn để thực sự thu hút được khách du lịch thì phải cần các điều kiện đủ.
“Việt Nam hiện đã có những khu nghỉ dưỡng đắt tiền, trung tâm vui chơi giải trí hiện đại, những điểm check-in hot nhờ sự đầu tư của những doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, các dịch vụ chưa kết nối để tạo thành hệ sinh thái kinh tế du lịch. Không những thế, nếu nhìn một cách tổng thể thì các cơ sở lưu trú chủ yếu là xếp hạng 3 sao hoặc không xếp hạng. Các cơ sở xếp hạng cao cấp chỉ chiếm tỷ trọng thấp, trong đó xếp hạng 5 sao chỉ chiếm 10,7%; hạng 4 sao chiếm 6,6%, cho thấy hạn chế trong năng lực cung cấp dịch vụ du lịch cao cấp tới các khách du lịch có thu nhập cao từ Châu Âu và Mỹ”, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO của LuxGroup - doanh nghiệp cung cấp du lịch sang trọng - nhận định.
Bên cạnh đó, để giữ chân được nhiều khách du lịch nhất có thể, chúng ta cần một hạ tầng du lịch và giao thông đồng bộ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. “Nếu hạ tầng và cơ sở vật chất được ví như “xương sống” của ngành du lịch thì giao thông được xem là “huyết mạch” giúp vận hành cỗ máy du lịch một cách trơn tru. Để làm tốt điều này, nguồn lực tư nhân là rất quan trọng, nhưng hơn cả vẫn phải là cơ chế chính sách và sự vào cuộc từ phía Nhà nước”, CEO tập đoàn LuxGroup nói.
Vị này lấy ví dụ, không có nhà đầu tư nào ngoài một chính sách đồng bộ của Nhà nước mới có thể biến một thị trấn nhỏ ở vùng núi heo hút tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thành một điểm du lịch ấn tượng như Lệ Giang, nơi du khách có thể đến bằng đường không, đường bộ, hay đường sắt đều dễ dàng và tiện nghi.
Trong khi đó ở Việt Nam, hệ thống giao thông kết nối giữa thành phố với sân bay, hay giữa sân bay quốc nội với sân bay quốc tế còn nhiều bất cập. “Những doanh nghiệp có dịch vụ du thuyền hạng sang như LuxGroup còn rất trăn trở về vấn đề hạ tầng giao thông đường thủy. Du lịch tàu biển có thể mang lại nguồn thu lớn nhưng vẫn chưa phát triển xứng tiềm năng là do hạn chế về hạ tầng cảng thủy nội địa,” ông Hà trăn trở.
Ông Hà cũng đưa ra ví dụ về trường hợp Cầu cảng đầu tư lớn cho du thuyền Phú Quốc từ 2020 vẫn chưa đưa vào hoạt động, trong khi nhu cầu rất lớn về bến đỗ và càng du thuyền cỡ lớn và đường dẫn lên cầu cảng Phú Quốc. Bản thân LuxGroup đang có kế hoạch đầu tư 10 du thuyền mà hiện đang băn khoăn chưa quyết định vì những hạn chế này.
![]() |
Trong bảng TTDI, chỉ số xếp hạng thấp nhất của Việt Nam là tác động kinh tế xã hội của ngành du lịch với 2,95 điểm, đứng thứ 115, gần cuối bảng xếp hạng. Chỉ số này đo lường tác động kinh tế, xã hội của ngành như đóng góp cho nền kinh tế, cung cấp việc làm thu nhập cao, bình đẳng giới trong lực lượng lao động.
Du lịch năm 2022 đạt 495.000 tỷ đồng, tương đương 5,2% GDP ; riêng năm 2019, doanh thu từ du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, tương đương 12,5% GDP. Năm 2023, tổng thu từ du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng, dù vượt 4,35% so với kế hoạch đặt ra nhưng mới tương đương gần 7% GDP. So với các nước trong khu vực về mức độ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP, đóng góp của du lịch Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều. Năm 2019, du lịch Thái Lan đóng góp 20,3% GDP, Philippines đóng góp 22,5% GDP và Campuchia đóng góp 25,8% GDP.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển cao trên toàn cầu. Năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển xanh, trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu. Tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định vai trò động lực kinh tế, điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương… Theo các chuyên gia, đây là những mục tiêu lớn và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để đạt được.
Đơn cử theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, mục tiêu đến năm 2030, du lịch đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15-17% (tức phải cao hơn gấp đôi hiện tại) là một mục tiêu rất tham vọng. Hay việc chúng ta đặt mục tiêu vào nhóm 30 quốc gia du lịch hàng đầu thế giới thì phải có các chính sách giải pháp để nâng tầm về hạ tầng du lịch.Tin liên quan
Tin khác

Xuất cấp 668,505 tấn gạo dự trữ hỗ trợ Hà Giang, Tuyên Quang và Bắc Kạn

Đà Nẵng hợp tác với Tập đoàn Vingroup phát triển xanh

TP. Hồ Chí Minh đề xuất tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù sau sáp nhập đến 2030

Generali tài trợ 2,5 tỷ đồng cho dự án bảo vệ trẻ em trong tình huống khẩn cấp

Sẽ nối đường từ Chiến Thắng kéo dài đến Nguyễn Xiển - Xa La

Vietcap ra mắt Dự án vì cộng đồng "Vững xanh tài chính, phủ xanh Việt Nam"

Hà Nội triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Prudential ra mắt thị trường sản phẩm bảo hiểm liên kết chung mới

Công bố sản phẩm giải pháp khoa học công nghệ tiêu biểu Make in Viet Nam
