Vietcombank triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ổn định sản xuất kinh doanh
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Lam – Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Phạm Tấn Công – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Đoàn Thái Sơn – Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện các đơn vị trực thuộc các cơ quan Trung ương, các Bộ, ngành.
Vietcombank đẩy mạnh mở rộng tín dụng vào các ngành kinh tế tiềm năng cao và hiệu quả
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết: “Cả đất nước đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chuẩn bị chào đón Xuân mới Tân Sửu. Năm 2020, kinh tế thế giới biến động với nhiều bất thường, cạnh tranh thương mại quốc tế lên đến đỉnh điểm, cùng với đó là đại dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng, tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu.” Trong bối cảnh đó, Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do thảm hoạ kép - từ đại dịch COVID-19 cho đến thiên tai bão lũ - tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Trong bối cảnh đó, với chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, năm 2020, Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép: vừa chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Ngay từ đầu năm 2020, Đảng uỷ, Ban lãnh đạo Vietcombank đã quyết nghị những chính sách, chủ trương lớn tập trung vào 4 đột phá chiến lược gồm: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh doanh theo chiều sâu, hoàn thiện hệ thống các cơ chế chính sách để quản trị điều hành kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng thích ứng với ngân hàng số, hoàn thiện nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và triển khai ngân hàng số kiên định với mục tiêu đã lựa chọn.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, Đảng uỷ, Ban lãnh đạo Vietcombank đã quyết nghị thay đổi, điều chỉnh định hướng phù hợp với thị trường.
Kết thúc năm 2020, Viecombank tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mang tính đột phá và đạt được những kết quả ấn tượng như: (i) Triển khai đồng bộ các kịch bản phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, đảm bảo duy trì hoạt động toàn hệ thống bình thường; (ii) Tiên phong, chủ động đi đầu trong giảm lãi suất cho doanh nghiệp nhiều nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng - với lịch sử 5 lần cắt giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất trong hệ thống. Tính đến cuối năm 2020, Vietcombank đã hỗ trợ 3.700 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và người dân ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; (iii) Tăng cường cung ứng vốn tín dụng hợp lý và các nhu cầu vốn chính đáng, hiệu quả của doanh nghiệp và người dân, quy mô tăng trưởng tín dụng cao nhất thị trường năm 2020; (iv) Kiểm soát chất lượng nợ xấu trong bối cảnh còn nhiều rủi ro, nợ xấu của Vietcombank giảm còn 0,6% trên tổng dư nợ, đây cũng là mức thấp nhất trong các TCTD; (v) Duy trì vị trí vững chắc về hiệu quả hoạt động kinh doanh, là ngân hàng có hiệu quả kinh doanh cao nhất trong các TCTD, là ngân hàng nộp ngân sách lớn nhất cả nước, (vi) Triển khai thành công các hoạt động công tác Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025…
Tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Việt Hùng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐQT Vietcombank trình bày báo cáo kết quả công tác Đảng năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; đồng chí Phạm Quang Dũng – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vietcombank trình bày báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2021.
Cụ thể, tổng dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng 441.768 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất trong năm 2020 đạt gần 4.000 tỷ đồng. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Dư nợ được cơ cấu tới cuối năm 2020 là 5.156 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 4.438 tỷ đồng và nợ lãi 718 tỷ đồng.
Đối với hoạt động huy động vốn, huy động vốn trên thị trường I đạt 1.053.451 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2019, đạt 105% kế hoạch năm 2020. Chủ động cơ cấu lại danh mục huy động vốn từ thị trường II theo hướng hiệu quả. Tổng huy động vốn đạt 1.089.840 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 2019. Dư nợ tín dụng đạt 838.220 tỷ đồng, tăng 13,95% so với 2019, hoàn thành 103,6% kế hoạch năm 2020. Tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao, đạt mức 20,4%. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ chiếm 53,5% tổng dư nợ tín dụng (tăng 2,9 điểm phần trăm so với 2019).
Với những kết quả đạt được trong năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành khẳng định: “Toàn hệ thống Vietcombank đã quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; hoàn thành đồng bộ, toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và mục tiêu Phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020 góp phần cùng toàn ngành Ngân hàng phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.” Hình ảnh và uy tín của Vietcombank không chỉ được khẳng định trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Vietcombank đồng thời cũng là doanh nghiệp niêm yết duy nhất của Việt Nam có tên trong top 1000 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu.
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn trao cờ thi đua cho tập thể Vietcombank |
Tiếp tục tập trung thực hiện 5 đột phá chiến lược và 3 trọng tâm
Trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025, Vietcombank tiếp tục quán triệt phương châm hành động: “Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững”, trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu hoạt động, đảm bảo tăng trưởng bền vững, hiệu quả cao và nâng cao năng suất lao động và quan điểm chỉ đạo điều hành “Trách nhiệm – Hành động – Sáng tạo”. Toàn hệ thống nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 đột phá chiến lược vào 3 trọng tâm kinh doanh là bán lẻ, dịch vụ, đầu tư - kinh doanh vốn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ và chỉ tiêu kinh doanh được giao.
Theo ông Phạm Quang Dũng - Tổng Giám đốc Vietcombank, Vietcombank cũng có những đề xuất liên quan đến kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước; cần có lộ trình 1-2 ngân hàng thương mại Việt Nam có tầm cỡ trung khu vực. Ngoài ra, Chính phủ sớm có kế hoạch kích cầu trong nước để nâng cao sức tiêu thụ nội địa và thể chế hoá các cơ chế đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn thay mặt Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà Vietcombank đã đạt được trong năm 2020. Với vai trò là một trong bốn NHTM nhà nước, Vietcombank đã thực hiện tốt vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường theo đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và NHNN, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của Ngành trong năm 2020 và của cả nhiệm kỳ.
Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu tại Hội nghị |
Trong bối cảnh hoạt động chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, Vietcombank đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 do Đại hội đồng cổ đông, NHNN giao với hiệu quả kinh doanh vượt trội; Lợi nhuận của Vietcombank nhiều năm liền đạt mức cao nhất hệ thống; với chủ sở hữu đạt hơn 96 nghìn tỷ; nợ xấu luôn được kiểm soát ở mức rất thấp, trong đó, thu hồi nợ ngoại bảng đạt 13.260 tỷ trong 5 năm của nhiệm kỳ vừa qua. Vietcombank đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, định hướng tại Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý xấu của Vietcombank giai đoạn 2016-2020 được NHNN phê duyệt.
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên cùng với VIB được NHNN chấp thuận áp dụng trước thời hạn quy định về an toàn vốn theo Basel 2; đồng thời, là ngân hàng lớn đầu tiên và triển khai và công bố hoàn thành 3 trụ cột của Basel 2. Đây là nền tảng quan trọng để Vietcombank nâng cao chất lượng quản trị trong hoạt động điều hành và kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, Vietcombank tiếp tục là một trong những ngân hàng dẫn đầu chuyển đổi số, tích cực ứng dụng công nghệ trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, phù họp với chủ trương của Chính phủ và NHNN.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, trong năm 2021, tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt là trong công tác tái cơ cấu, xử lý và ngăn ngừa nợ xấu, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động, nhanh chóng tiếp cận với công nghệ ngân hàng số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Do đó, Phó Thống đốc yêu cầu Vietcombank tập trung thực hiện một số nội dung quan trọng, như: Quán triệt và bám sát các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 7/1/2021 để xây dựng, cụ thể hóa thành kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp, khả thi của ngân hàng theo đúng định hướng của Chính phủ, NHNN và tổ chức triển khai thực hiện có kết quả các kế hoạch của ngân hàng, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2021; Tổng kết, đánh giá kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, đúc rút các bài học kinh nghiệm và chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021 phù hợp với định hướng, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng nêu tại Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của NHNN; Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, chỉ tiêu lợi nhuận ở mức hợp lý để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; Mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh và đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo đúng chỉ tiêu NHNN giao.
Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và nhanh chóng hơn nữa quá trình chuyển đổi số để trở thành một trong các ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Tăng cường triển khai các giải pháp đồng bộ về giám sát an ninh mạng, theo dõi, giám sát các giao dịch đáng ngờ, gian lận cho các hệ thống thanh toán; phòng, chống lộ lọt dữ liệu, có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống thông tin…
Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho rằng, với kết quả đạt được trong thời gian qua và nỗ lực, quyết tâm của Hội đồng quản trị, Ban điều hành và toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động, Vietcombank sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2021, tiếp tục duy trì giữ vững vai trò, vị thế là một trong những ngân hàng hàng đầu trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.