Vĩnh Phúc: Tập trung vốn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương
Tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Theo ông Hoàng Duy Chinh – Giám đốc NHNN tỉnh Vĩnh Phúc, ngay từ đầu năm 2023, chi nhánh đã xây dựng mục tiêu hoạt động bám sát theo chỉ đạo, định hướng của NHNN. Cụ thể, đó là giữ ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhìn lại một chặng đường 2023 đã qua, tuy có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự đồng lòng, đoàn kết của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc luôn đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế |
Cụ thể, trong năm qua, trước khó khăn của nền kinh tế, các TCTD trên địa bàn đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2%-1,5%/năm ở các kỳ hạn; tiết giảm chi phí hoạt động để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là giảm lãi suất đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (mức giảm từ 1,5-2%/năm). Hiện tại, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 4,2%; lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 7,9%/năm. Tính đến 31/12/2023, dư nợ cho vay toàn địa bàn ước đạt 128.000 tỷ đồng, tăng 10,55% so với cuối năm 2022.
Năm 2023, NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng phù hợp theo định hướng của NHNN và hội sở chính; chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng. Đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trưởng của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Nhờ đó, chất lượng tín dụng được đảm bảo, cơ cấu tín dụng phần lớn là cho vay các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm tỷ lệ 86,2% tổng dư nợ). Phân theo đối tượng vay vốn, dư nợ tập trung chủ yếu vào khu vực trọng yếu của nền kinh tế là cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Ngoài ra, các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng đối với các lĩnh vực đặc thù như: Cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay doanh nghiệp, DNNVV... đều có mức tăng trưởng khá đã góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân, cải thiện kinh tế hộ gia đình, hạn chế tín dụng đen, tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn; tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất và mở rộng kinh doanh.
Đối với việc huy động vốn, tổng nguồn vốn huy động đến 31/12/2023 ước đạt 123.000 tỷ đồng; tăng 12,25% so với cuối năm 2022. Trong năm vừa qua, các TCTD cung cấp cho khách hàng nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng, hướng đến từng đối tượng khách hàng khác nhau với các khoản tiết kiệm từ giá trị thấp đến giá trị cao để khách hàng lựa chọn. “Năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn khiến doanh nghiệp không có tiền nhàn rỗi, các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước và chuyển sang sử dụng dịch vụ của ngân hàng nước ngoài... Tuy nhiên, tiền gửi dân cư có mức tăng trưởng tốt, tỷ lệ tăng đều qua các tháng, cho thấy trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng… có nhiều biến động, gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh đầu tư an toàn và có lãi, được người dân tin tưởng lựa chọn”, ông Chinh chia sẻ.
Ngoài nguồn vốn huy động tại địa phương, các TCTD trên địa bàn cũng nhận vốn điều hoà từ hội sở chính để tăng nguồn, bù đắp thanh khoản, đáp ứng các nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên toàn địa bàn
Bắt nhịp cùng công cuộc chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Theo thống kê, mạng lưới TCTD trên địa bàn có 29 chi nhánh ngân hàng cấp I cùng với 09 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cấp II, 94 phòng giao dịch thuộc các TCTD; 01 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 31 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Phòng giao dịch, điểm giao dịch của TCTD được phân bổ đến các xã, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc trong tỉnh để phục vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, nhu cầu thanh toán của người dân cũng như nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
Thực hiện Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030, hệ thống TCTD trên địa bàn đã tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lý nghiệp vụ dựa trên công nghệ số; ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình, sử dụng trí tuệ nhân tạo… để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng. Đồng thời, chú trọng mở rộng hệ sinh thái số các sản phẩm, tích hợp dịch vụ ngân hàng; tiếp tục theo dõi, thử nghiệm các giải pháp ứng dụng thẻ CCCD gắn chip trong việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, hướng tới ứng dụng triển khai rộng rãi các tính năng trên chip thẻ căn cước công dân, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD trong các nghiệp vụ ngân hàng.
Bên cạnh đó, cải thiện, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ với 242 máy ATM; 980 POS được lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, siêu thị, chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... trong toàn tỉnh.
Đến hết tháng 12/2023, TTKDTM trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng mạnh: tổng giao dịch qua internet tăng 81,5% về số lượng và 13,8% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 70,1% về số lượng và 15% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 140,4% về số lượng và 50,3% về giá trị.
Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại TCTD đạt khoảng 60%; hơn 700 nghìn tài khoản thanh toán và khoảng 132 nghìn thẻ được mở bằng phương thức điện tử; gần 30 nghìn tài khoản Mobile – Money đã được mở với khoảng 40% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Trong năm 2024, theo ông Hoàng Duy Chinh, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc sẽ phấn đấu giữ ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia… Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Ngoài ra, nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ là “cánh tay nối dài” của Thống đốc NHNN trên địa bàn, nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách và những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai, tập trung tháo gỡ, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; báo cáo Thống đốc, đề xuất, tham mưu chỉnh sửa cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn. Từ đó, làm tốt nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng trên địa bàn, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế địa phương”, ông Chinh chia sẻ.