Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó
Chủ động đánh giá mức độ tác động của dịch bệnh
Cũng như nhiều tỉnh, thành khác, hoạt động ngân hàng của tỉnh Vĩnh Phúc bị tác động không nhỏ của dịch bệnh Covid-19. Đánh giá bước đầu cho thấy đã có những tác động như: nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn trước; nguy cơ nợ xấu tăng, khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh; các tổ chức, cá nhân đều giảm nguồn tiền nhàn rỗi để gửi vào ngân hàng…
Kết quả rà soát khách hàng vay vốn toàn địa bàn đến nay cho thấy, tổng quy mô dư nợ các đối tượng khách hàng bị tác động của dịch Covid-19 là khoảng 20 nghìn tỷ đồng, chiếm 24% tổng dư nợ toàn tỉnh.
Hơn 300 tỷ đồng được BIDV Vĩnh Phúc cho vay và miễn, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 |
Nhận định sớm tình hình, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, NHNN Chi nhánh tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các ngân hàng, TCTD trên địa bàn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng, tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Cụ thể, NHNN tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng, TCTD trên địa bàn thực hiện cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định hiện hành như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh...; có các biện pháp quản lý, theo dõi, ngăn chặn việc lợi dụng dịch bệnh để làm sai lệch, không đúng đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ của các ngân hàng và khách hàng vay vốn.
Cùng với đó, tổ chức các buổi làm việc với các ngân hàng, TCTD trên địa bàn để nắm bắt mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng.
Đồng thời, thiết lập đường dây nóng và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thành lập đường dây nóng tại đơn vị để tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất, những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp liên quan đến quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Với hàng loạt các chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của NHNN tỉnh, các chi nhánh ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã khẩn trương vào cuộc, triển khai các biện pháp cụ thể kịp thời hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngay sau khi có các giải pháp chỉ đạo của NHNN tỉnh, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã ban hành quy chế nội bộ, hướng dẫn cụ thể về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN Việt Nam.
“Nhiều ngân hàng, TCTD đã chủ động liên hệ, gặp gỡ khách hàng là hộ kinh doanh, doanh nghiệp để tìm hiểu, đánh giá mức độ tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh; khoanh vùng những nhóm khách hàng, ngành nghề kinh doanh được đánh giá là chịu ảnh hưởng lớn, để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, đúng quy định”, ông Tâm cho biết thêm.
Sau khi xác định được số lượng khách hàng với những thiệt hại cụ thể do dịch bệnh Covid-19, các ngân hàng đã đưa ra hình thức hỗ trợ phù hợp, kịp thời, như tiến hành cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 1-2%/năm so với lãi suất khoản vay cũ được 4.150 khách hàng, dư nợ đạt 6.050 tỷ đồng, trong đó có 308 doanh nghiệp, dư nợ đạt 4.239 tỷ đồng; cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể là 3.842 trường hợp, dư nợ đạt 1.805 tỷ đồng.
Các ngân hàng trên địa bàn cũng đã miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 200 khách hàng, dư nợ đạt 220 tỷ đồng. Ngoài ra, khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Internet Banking chuyển tiền trong và ngoài hệ thống sẽ được các ngân hàng, TCTD miễn phí từ 6 tháng đến 1 năm.
Tập trung vốn để khôi phục và phát triển kinh tế
“Hệ thống ngân hàng Vĩnh Phúc sẽ cùng với toàn ngành Ngân hàng tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” với quyết tâm và sự đồng bộ thống nhất cao để triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế”, ông Nguyễn Văn Tâm chia sẻ về nhiệm vụ thời gian tới.
Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó |
Trong đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tập trung triển khai quyết liệt, chủ động, hiệu quả các giải pháp phòng, chống và hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do dịch bệnh trong tình hình mới theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam. Nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin chính thức về diễn biến dịch bệnh để chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, thông suốt.
Quyết tâm thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020 của Thống đốc NHNN; tập trung thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là để khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cụ thể, NHNN tỉnh Vĩnh Phúc, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Theo dõi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng để có kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, Thống đốc NHNN.
Thường xuyên đôn đốc việc triển khai của các TCTD trên địa bàn, tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh của TCTD và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN về kết quả thực hiện. Có biện pháp xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp không chấp hành chủ trương, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN. Đồng thời giám sát, theo dõi xử lý những trường hợp lợi dụng chính sách để làm sai lệch chủ trương hỗ trợ khắc phục dịch bệnh.
Bên cạnh các giải pháp của Ngành, công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt là việc phối hợp với các sở, ban ngành trong nắm bắt mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến các ngành kinh tế và ngành Ngân hàng trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, các lĩnh vực sản xuất lưu thông hàng hóa thiết yếu, các lĩnh vực ưu tiên…
Đối với các TCTD trên địa bàn cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Chủ động xây dựng các kịch bản kinh doanh chi tiết (bao gồm các kế hoạch kinh doanh dự phòng theo diễn biến của dịch bệnh) nhằm mục tiêu đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống. Xây dựng giải pháp cung cấp các dịch vụ ngân hàng theo từng kịch bản diễn biến dịch, phù hợp với các biện pháp chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh; đồng thời, tăng cường cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử.
Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống các TCTD trên địa bàn, có thể khẳng định các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ cùng vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.