Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc: Cùng nền kinh tế thích ứng với trạng thái bình thường mới
Mặc dù là một ngành chịu tác động lớn từ dịch Covid-19 với những khó khăn dồn dập từ phía khách hàng khiến tín dụng trì trệ, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong thời gian tới, song với sự dẫn dắt của NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc và sự nỗ lực vượt khó từ chính các TCTD, hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn 8 tháng đầu năm vẫn đảm bảo liên tục thông suốt, với nguồn vốn dồi dào trợ lực cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, từng bước thích ứng và khởi sắc trong trạng thái bình thường mới của nền kinh tế tỉnh cũng như cả nước.
Cộng sinh cùng các thành phần kinh tế
13.260 khách hàng đã được các TCTD thực hiện miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với dư nợ đạt 16.256 tỷ đồng. Trong đó, cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với lãi suất khoản vay cũ cho 12.714 khách hàng, doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/01/2020 là 56.609 tỷ đồng; dư nợ đạt 15.039 tỷ đồng, trong đó: Doanh nghiệp là 483 đơn vị, dư nợ 4.317 tỷ đồng; cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể: 12.231 trường hợp, dư nợ 10.722 tỷ đồng. 352 khách hàng được miễn, giảm lãi vay, dư nợ đạt 631 tỷ đồng, trong đó có 62 doanh nghiệp, dư nợ 439 tỷ đồng; 290 cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể dư nợ 192 tỷ đồng. Các TCTD cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 194 khách hàng, dư nợ đạt 586 tỷ đồng, trong đó: Doanh nghiệp là 52 đơn vị, dư nợ 456 tỷ đồng.
Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm của các TCTD trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn hiện nay |
Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, mặc dù mới triển khai chưa đầy 2 tháng, song đến 23/8/2021, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phân công cán bộ thực hiện tuyên truyền, rà soát tại 1.045 doanh nghiệp. Trong đó có 8 người sử dụng lao động (NSDLĐ) có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn (gồm 4 NSDLĐ vay vốn trả lương ngừng việc, 4 NSDLĐ vay vốn trả lương phục hồi sản xuất). Dự kiến số tiền cho vay: 2.206.960.000 đồng (cho vay trả lương ngừng việc: 470.400.000 đồng; cho vay trả lương phục hồi sản xuất: 1.736.560.000 đồng). Đến 23/8/2021, Chi nhánh đã thực hiện cho vay được 02 NSDLĐ với số tiền 333.200.000 đồng gồm: Trường Mầm non tư thục Sao Mai Vĩnh Yên và Cơ sở mầm non tư thục Bình Minh xã Bá Hiến. Trước đó NHCSXH cũng cho 5 doanh nghiệp được vay vốn thời gian 12 tháng theo Nghị quyết 42NQ-CP và đến 31/7/2021 còn 02 NSDLĐ vay vốn với số tiền 1,2 tỷ đồng.
Đó chỉ là một vài điểm nhấn trong những nỗ lực của hệ thống các TCTD trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh cá thể trong thời gian qua để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, khôi phục và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết, từ đầu năm đến nay, ngay khi các cơ chế chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng trên địa bàn theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN Việt Nam được ban hành, NHNN tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo triển khai đến các TCTD trên địa bàn. Đồng thời, NHNN Chi nhánh Vĩnh Phúc đã nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại trụ sở, nơi giao dịch, các phòng giao dịch trực thuộc; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ thông điệp 5K; đảm bảo an toàn, hoạt động ngân hàng thông suốt.
NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện kế hoạch kinh doanh an toàn, hiệu quả, chất lượng, tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cho vay bằng ngoại tệ, tăng cường quản lý rủi ro đối với tín dụng tiêu dùng, đảm bảo an toàn hoạt động; thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay gặp khó khăn; gia tăng mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính; chủ động cân đối tiết kiệm chi phí để tiếp tục hạ lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện, khả năng tài chính của từng TCTD nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Chủ động nguồn vốn đáp ứng yêu cầu phát triển
Không chỉ xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai mạnh mẽ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tăng cường triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ; triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Những kết quả thực hiện có thể thấy rõ trong hoạt động của các TCTD trên địa bàn. Như với việc triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các TCTD đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, các NHTM có thị phần tín dụng lớn đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay các khoản dư nợ hiện hữu, thời gian áp dụng từ 15/7/2021 đến cuối năm 2021. Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên địa bàn có xu hướng giảm so với cuối năm 2020. Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 4-4,5%/năm đối với ngắn hạn; 5-7,5%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 6-7,5%/năm đối với ngắn hạn; 8-9,5%/năm đối với trung và dài hạn.
Nguồn vốn ngân hàng tiếp tục lan tỏa trong nền kinh tế của tỉnh với tổng dư nợ cho vay ước thực hiện đến 31/8/2021 đạt 96.300 tỷ đồng; tăng 9,36% so với cuối năm 2020. Trong đó, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn có mức tăng trưởng tốt, đạt 24.200 tỷ đồng, tăng 9,01% so với cuối năm 2020. Cho vay xuất khẩu đạt 82 tỷ đồng; tăng 12,5% so với cuối năm 2020. Cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 230 tỷ đồng; tăng 17,35% so với cuối năm 2020.
Ngành Ngân hàng trên địa bàn cho vay 3.120 doanh nghiệp, dư nợ đạt 46.000 tỷ đồng (tăng 8,23% so với cuối năm 2020; chiếm tỷ lệ 47,8% tổng dư nợ). Trong đó cho vay doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH đạt 40.000 tỷ đồng, chiếm 87% tổng dư nợ, tăng 7,56%; cho vay DNNN đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 19,47%; cho vay doanh nghiệp FDI đạt 4.650 tỷ đồng, tăng 22,63%. Lũy kế 8 tháng năm 2021, các TCTD trên địa bàn cho vay mới đối với 500 doanh nghiệp, doanh số đạt 13.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NHCSXH đang cho vay 99 ngàn hộ nghèo và đối tượng chính sách, với dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/7/2021 ước đạt 3.150 tỷ đồng, tăng 10,91% so với cuối năm 2020.
Chất lượng tín dụng luôn được đảm bảo, nợ xấu ước đến 31/8/2021 chiếm tỷ lệ 0,59% trên tổng dư nợ của hệ thống các TCTD trên địa bàn, phản ánh rõ nét thêm hiệu quả cho vay, quản lý và sử dụng vốn trong nền kinh tế.
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết, trong những tháng còn lại của năm, NHNN tỉnh sẽ chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021,Chỉ thị số 01/CT-NHNN phấn đấu tăng trưởng huy động vốn đạt 12-15%; tăng trưởng tín dụng đạt 12-14%; kiểm soát nợ xấu ở mức thấp, tỷ lệ dưới 2% tổng dư nợ.
Để hoàn thành kế hoạch này, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Ngành, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Đồng thời chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; chú trọng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật.
NHNN tỉnh cũng sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các chính sách, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn, hỗ trợ TCTD tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 và Quyết định 1058/QĐ-TTg nhằm nâng cao năng lực tài chính của các TCTD, gia tăng khả năng tài trợ tín dụng, dịch vụ cho các doanh nghiệp và người dân ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới của nền kinh tế.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)