VND vững vàng trước các đợt tăng lãi suất của Fed
Chính sách tiền tệ phải bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô | |
Chính sách tiền tệ hỗ trợ “ghìm” sức ép lạm phát | |
Cần giữ chính sách tiền tệ ổn định |
Để ứng phó với lạm phát đang ở mức cao nhất trong mấy chục năm trở lại đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng mạnh lãi suất. Theo đó chỉ trong vòng 5 tháng vừa qua, Fed đã thực hiện 4 lần tăng lãi suất, tổng cộng tới 225 điểm cơ bản, trong đó có hai lần tăng với mức kỷ lục 75 điểm cơ bản, đưa lãi suất đồng USD lên mức 2,25% - 2,5%, cao nhất kể từ tháng 12/2008.
Việc tăng nhanh lãi suất của Fed đã hỗ trợ đồng bạc xanh tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế. Tính chung chỉ số đồng USD đã tăng gần 11% kể từ đầu năm và hiện đang xoay quanh mức 106,75 điểm, cao nhất trong vòng ít nhất là 5 năm trở lại đây. Sự tăng giá của đồng bạc xanh đã làm đồng tiền của nhiều nền kinh tế mất giá, kể cả những nước phát triển và đang phát triển.
Tỷ giá trong nước cũng chịu nhiều sức ép. Trong khi đó, sản xuất đang trên đà phục hồi mạnh sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kéo theo nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu cũng tăng nhanh. Tuy nhiên nhìn chung thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước vẫn được duy trì ổn định, mọi nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu.
Ảnh minh họa |
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 16/8 tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng phiên thứ hai liên tiếp lên 23.173 đồng/USD sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên nếu so với cuối năm trước, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng có 28 đồng/USD, tương đương tăng khoảng 0,12%. Trong khi giá mua - bán USD của các ngân hàng thương mại cũng chỉ tăng khoảng 2%, một mức biến động nhẹ so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Theo các chuyên gia, có được kết quả này một phần cũng nhờ nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế thời gian qua vẫn rất dồi dào, nhờ cán cân thương mại tiếp tục thặng dư ước khoảng 764 triệu USD trong 7 tháng đầu năm; trong khi giải ngân vốn FDI tăng khá mạnh, ước đạt 11,57 tỷ USD trong 7 tháng qua, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; dòng kiều hối cũng tăng trưởng khá khi dịch bệnh tại nhiều nước được kiểm soát. Bên cạnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá hết sức chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế, qua đó giảm thiểu được tâm lý găm giữ đầu cơ ngoại tệ. Ngoài ra, theo các chuyên gia với nguồn lực dự trữ ngoại hối được bổ sung khá mạnh mẽ trong thời gian qua, NHNN đủ khả năng can thiệp thị trường để ổn định tỷ giá.
Trả lời phỏng vấn báo giới mới đây, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cũng cho biết, trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến phức tạp khó lường, NHNN điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Cũng theo ông Quang, từ đầu năm 2022, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VND dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND, qua đó hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Khi cần thiết “NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa. Qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế…”, ông Quang nhấn mạnh.
Cũng có ý kiến tỏ ra lo ngại việc bán ngoại tệ để can thiệp sẽ làm giảm dự trữ ngoại hối, từ đó làm giảm khả năng chống đỡ với các cú sốc từ bên ngoài. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, đó là việc làm cần thiết để ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để làm điểm tựa cho nền kinh tế phục hồi. Kinh tế phục hồi sẽ là điểm tựa để tiếp tục thu hút dòng ngoại tệ từ FDI, xuất khẩu, kiều hối. Hơn nữa NHNN sẽ “lựa” thời điểm thị trường thuận lợi để mua vào ngoại tệ bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối như đã từng làm những năm trước.
“Niềm tin của người dân vào giá VND đã thực sự cải thiện bất chấp những tồn tại của thị trường tự do. Chúng tôi kỳ vọng sức mạnh dài hạn của tiền đồng và các yếu tố vĩ mô phát triển theo chiều hướng thuận lợi trong các tháng tới. Tốc độ tăng lãi suất của Fed chậm lại, kỳ vọng áp lực lên tỷ giá sẽ giảm xuống trong những tháng tới”, Công ty chứng khoán Maybank nhận định.