Vốn ngân hàng - bệ đỡ cho nông nghiệp “cất cánh”
Vốn ngân hàng “nở hoa” trên Tây Nguyên | |
Những “tỷ phú chân đất” đi lên nhờ vốn Agribank | |
Phụ nữ Agribank tô thắm thêm phong trào “hai giỏi” |
Nông nghiệp – lĩnh vực “hút” nhiều cơ chế ưu đãi của ngân hàng
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Với ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy, nhiều Nghị quyết, văn bản quan trọng về tam nông đã được ban hành như: Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hay như Quyết định số 899/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng đã được bổ sung hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...
Với chủ trương, định hướng chiến lược trên, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển thần kỳ, quy mô GDP đã vượt 400 tỷ USD, tăng 10 lần so với năm 2010 và trên 20 lần với thời kỳ bắt đầu đổi mới. Đặc biệt, bức tranh nông nghiệp đã hoàn toàn thay đổi, từ chỗ thiếu đói trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu với kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 53,2 tỷ USD (năm 2022). Đây là con số cao nhất từ trước đến nay và vượt xa mốc kỷ lục 48,6 tỷ USD của năm 2021. Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp từ 2,8% đến 3%/năm, là tốc độ cao của thế giới. Đóng góp vào những “kỳ tích” của nền nông nghiệp nước nhà, không thể thiếu dòng vốn tín dụng ngân hàng.
Agribank – Ngân hàng chủ lực trong cho vay nông nghiệp, nông thôn |
Nói về việc “tiếp vốn” cho ngành nông nghiệp để bứt phá ngoạn mục như thời gian qua, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, NHNN luôn coi đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên và đã có nhiều chính sách, giải pháp khuyến khích đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn về vốn vay. Chẳng hạn, NHNN đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (nay là Nghị định 116). Đồng thời, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND với các lĩnh vực ưu tiên nông thôn, giới hạn lãi suất cho vay thấp hơn thông thường…
“Chưa có lĩnh vực nào liên tiếp được ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như thế”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh. Lãnh đạo NHNN cũng đánh giá cao Agribank – ngân hàng chủ lực trong cho vay nông nghiệp, nông thôn đóng góp quan trọng vào những thành quả của ngành Ngân hàng nói riêng và nền nông nghiệp nói chung.
Xác định tầm quan trọng của lĩnh vực này, hơn hết với sứ mệnh được định vị từ ngày đầu thành lập là phục vụ cho công cuộc đổi mới, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam, lãnh đạo Agribank cho biết, suốt 35 năm qua, Agribank luôn dành từ 65% đến hơn 70% tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực này. Đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên 1,42 triệu tỷ đồng. Cũng chừng đó thời gian, bất cứ chính sách tín dụng nào cho nông nghiệp nông thôn, Agribank luôn sẵn sàng tiên phong triển khai. Vừa ra đời, ngân hàng đã bắt tay ngay vào hỗ trợ chính sách khoán 10 trong nông nghiệp bằng việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình cho vay thí điểm hộ nông dân...
Những năm tiếp theo của thập kỷ 90 là chương trình lương thực và xuất khẩu của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển nông sản và chăn nuôi gia súc khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, cho vay kinh tế hộ; các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, cho vay theo Nghị định 55 về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 67 về phát triển khai thác thủy sản, đánh bắt cá xa bờ; chương trình tái canh cây cà phê; cho vay xây dựng nông thôn mới; tín dụng nông nghiệp sạch, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết nối tham gia chuỗi liên kết giá trị...
Trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn do tác động dịch Covid, Agribank tiên phong giảm lãi suất cho vay, ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn kịp thời cho khách hàng như cơ cấu nợ, khoản nợ, miễn giảm lãi... Riêng trong năm 2022, số tiền miễn, giảm lãi của Agribank dành cho nông dân khoảng 5.000 tỷ đồng.
Tiếp tục khẳng định vai trò “bà đỡ” tam nông
Dọc theo dải đất hình chữ S, từ miền ngược cho tới miền xuôi, hải đảo hay vùng biên cương, từ đồng vốn của Agribank, nông nghiệp và nông thôn khởi sắc nhờ phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu. Cánh cửa “xuất ngoại” nông sản của nông dân Việt cũng ngày càng rộng mở nhờ người bạn đồng hành Agribank. Nông dân tỷ phú cũng không còn là chuyện hiếm ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ trang trại Thành Thoa tại thôn Ngọc Thư, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum gắn bó với Agribank 25 năm từ khoản vay vỏn vẹn 10 triệu đồng để chăn nuôi mà đến nay quy mô trang trại lợi nhuận của gia đình ông đạt từ 1,8 - 2 tỷ đồng/năm. Cũng như ông Thành, ông Đào Xuân Hải – Chủ trang trại Hải Thêu ở Vĩnh Phúc cũng đã 2 lần thoát khỏi “cửa tử” và trở thành “tỷ phú gà đồi” nhờ vốn của Agribank.
Với sự chăm chỉ cần cù, quyết tâm vượt khó dám nghĩ dám làm nhất là sự đồng hành của Agribank giúp nhiều hộ gia đình, nhiều vùng đất đã và đang hồi sinh mạnh mẽ. Trường hợp của ông Bùi Văn Quyển ở Làng Tum, xã Yaly, huyện Sa Thầy là điển hình, với sự tiếp sức của Agribank đã mạnh dạn chặt bỏ hơn 20 ha cây cao su để trồng vườn cây ăn trái bài bản, quy mô và khoa học, với đủ loại nhưng chủ lực vẫn là sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Quá trình chuyển đổi cây trồng bước đầu đạt được những thành công nhất định, khi hộ gia đình ông trở thành một trong hai hộ trong tỉnh Kon Tum được cấp mã vùng trồng để có thể xuất khẩu cây ăn trái. Mỗi ha sầu riêng ước tính thời điểm này có thể đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm... hứa hẹn mang lại nguồn thu không nhỏ cho ông Bùi Văn Quyển.
Có thể nói, bền bỉ với mục tiêu thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, hành trình 35 năm xây dựng và phát triển, nguồn vốn đầu tư cho “Tam nông” của Agribank phát huy hiệu quả giúp nhiều nông dân có cơ hội đổi đời từ chính mô hình sản xuất của gia đình, đã tạo nền tảng vững chắc hình thành hàng nghìn mô hình kinh tế tiềm năng, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo và đời sống kinh tế của người dân. Qua đó, Agribank đã đóng góp to lớn vào tiến trình đổi mới của Việt Nam với những dấu ấn quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo, chung tay cùng toàn ngành Ngân hàng đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững trở thành hiện thực tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, kiên định với mục tiêu “tam nông” gắn với sứ mệnh của ngân hàng ngay từ những ngày đầu thành lập, nên trong suốt hành trình 35 năm dù là NHTM phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%/năm. Hiện, trên thị trường có rất nhiều TCTD tham gia đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhưng thực tế, đầu tư vốn vào nông nghiệp rất khó bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh… đòi hỏi phải có thời gian, sự gắn kết và cam kết rất lâu dài.
Suốt 35 năm qua, dòng vốn của Agribank đã bền bỉ đồng hành cùng 3,5 triệu hộ nông dân. Thời gian tới, với mục tiêu của Việt Nam mỗi năm giảm từ 1 đến 1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, Agribank cam kết với vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên những thành tựu lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững của Việt Nam, tiếp tục là động lực thúc đẩy nền nông nghiệp nước nhà “cất cánh”.