Vốn ngân hàng thúc đẩy kinh tế biển phát triển bền vững
Cung ứng đủ vốn cho ngành thuỷ sản
Trong những năm qua, thủy sản luôn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta và đạt được những bước phát triển khả quan. Đặc biệt năm 2022, ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng cao là 23,6%; xuất khẩu thủy sản tăng trưởng vượt bậc, lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD. Đóng góp vào những “kỳ tích” của nền nông nghiệp Việt Nam, không thể thiếu dòng vốn tín dụng ngân hàng. Đặc biệt là có sự đóng góp rất tích cực của Agribank – ngân hàng thường xuyên dành trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển “Tam nông”, trong tổng dư nợ trên 1,45 triệu tỷ đồng năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank (đứng giữa) tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm thuỷ sản |
Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó tổng giám đốc Agribank chia sẻ, tổng dư nợ cấp tín dụng của Agribank hiện nay là 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay trong lĩnh vực thủy sản là 40.000 tỷ đồng. Trong số đó, đầu tư cho nuôi trồng thủy sản chiếm trên 83,5%. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, dư nợ cho vay ngành thủy sản tại Agribank tăng trưởng đều đặn qua các năm, đặc biệt trong giai đoạn 2020 – 2023. Agribank luôn có đủ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển cho các dự án nông nghiệp xanh, các dự án đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển bền vững, trong đó có các dự án về thủy hải sản... Tận dụng hệ thống mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch phủ khắp đất nước, xuống tận xã, phường, thị trấn và huyện đảo, các cán bộ tín dụng đã bám sát địa bàn, gặp gỡ trực tiếp với ngư dân có nhu cầu vay vốn, nhiệt tình hướng dẫn thủ tục, hồ sơ một cách nhanh gọn, đồng hành cùng khách hàng trong quá trình sử dụng nguồn vốn trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Khác với lĩnh vực khác, nguồn vốn tín dụng của Agribank dành cho lĩnh vực thủy hải sản chủ yếu tập trung ở nhóm khách hàng cá nhân. Cụ thể, dư nợ cho vay ngành thủy sản đối với khách hàng doanh nghiệp của Agribank là 1.506 tỷ đồng (chiếm 3,7%/tổng dư nợ cho vay ngành thủy sản); dư nợ cho vay khách hàng cá nhân là 38.729 tỷ đồng (chiếm 96,3%/tổng dư nợ cho vay ngành thủy sản).
Lý giải điều này, bà Phượng cho biết, ngân hàng luôn quan tâm đến 2 yếu tố chính là rủi ro trong quá trình sản xuất và khả năng tiêu thụ của các dự án nuôi trồng thủy sản. Các khách hàng cá nhân quy mô vay nhỏ, rủi ro không tập trung nên an toàn hơn đối với ngân hàng thương mại.
Thực tế, lĩnh vực thủy hải sản vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, môi trường ô nhiễm, giá cả... Do vậy, ngân hàng cho vay cũng phải tính toán kỹ lưỡng bài toán quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn đồng vốn. Mặc dù vậy, trong suốt thời gian qua, Agribank đã nỗ lực cùng các cấp các ngành tháo gỡ những khó khăn để khơi thông nguồn vốn tín dụng trong lĩnh vực thủy hải sản. “Chỉ có thể là Agribank - ngân hàng lớn nhất hiện nay khi có quy mô cấp tín dụng đến 1,5 triệu tỷ đồng thì chúng tôi mới có nguồn lực để đầu tư cho ngành này lớn như vậy”, bà Phượng chia sẻ.
Để ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp phát triển bền vững, khâu nuôi trồng và chế biến các sản phẩm nông nghiệp cần đảm bảo những yếu tố khắt khe về môi trường, con giống, thức ăn, chế biến và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm... Agribank không ngần ngại đầu tư lớn cho những dự án nông nghiệp xanh, trong đó có các dự án thủy sản như: dự án nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi bò sữa tại Ninh Thuận doanh số cho vay hơn 3.700 tỷ đồng; các dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi sạch tại Hà Nam với doanh số cho vay gần 5.000 tỷ đồng; các dự án chế biến thủy, hải sản tại Hải Phòng, Kiên Giang có doanh số cho vay trên 3.500 tỷ đồng. Dư nợ ngành thủy sản của Agribank tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ (chiếm 56%), duyên hải Miền Trung (18%) và phân bổ đều ở một số khu vực khác. Agribank đã đồng hành, thủy chung với nhiều doanh nghiệp thủy sản tại Kiên Giang (Công ty TNHH Huy Nam, Công ty TNHH MTV Long Phú), tại An Giang (Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản P&H, Công ty CP XNK Thủy sản An Mỹ)…
Cần thêm cơ chế thu hút nguồn lực phát triển kinh tế biển
Thông tin thêm về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực này, bà Phượng cho biết, đối với 28 tỉnh thành phố ven biển, trước đây Agribank tập trung cho vay đánh bắt xa bờ. Nhưng trong những năm gần đây, Agribank hướng đến mô hình tổ chức nuôi trồng thủy sản ven biển, đảm bảo lợi ích từ nhiều nguồn khác nữa như nuôi trồng rong biển; phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch ở các đảo gần bờ, đa dạng hóa sinh thái phát triển kinh tế biển bền vững.
Agribank đồng hành cùng người nông dân nuôi trồng thủy hải sản |
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng và lợi thế to lớn về biển, với diện tích biển gấp ba lần diện tích đất liền. Nhằm góp phần đưa nền kinh tế biển của đất nước thực sự phát triển bền vững, Agribank trong nhiều năm qua đã và đang triển khai nhiều giải pháp để cùng hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế biển, hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; thông qua cho vay phát triển thủy sản để đồng hành cùng ngư dân cả nước triển khai nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương. Từ tiên phong, nghiêm túc triển khai chủ trương của Đảng về chiến lược biển Việt Nam và chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, Agribank cùng hệ thống chính trị đã tạo điều kiện, mở ra cơ hội thuận lợi để ngư dân cả nước có đủ năng lực vươn ra khơi xa đánh bắt thủy sản, làm giàu từ biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong thời gian tới, để khai thác tối đa tiềm năng về phát triển kinh tế biển của đất nước và để ngành thủy hải sản tiếp tục đạt được những phát triển quan trọng, bền vững, thu hút được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong đó có các NHTM thì những rủi ro đầu tư lĩnh vực này cần được giảm thiểu. Thực tế cho thấy, nuôi trồng thủy sản không ô nhiễm là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các dự án trong lĩnh vực này. Ngoài ra, quản lý quy trình, chất lượng sản phẩm cũng rất cần được chú trọng, đặc biệt là khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch vùng sản xuất, phát triển cụm công nghiệp kinh tế biển phải được quan tâm, có cơ chế thu hút nhà đầu tư cho hạ tầng, đảm bảo môi trường nuôi trồng đồng nhất, tạo ra mô hình khép kín… Từ đó, nguồn vốn của các NHTM dành cho lĩnh vực thủy sản sẽ tiếp tục được khơi thông.
Bên cạnh đó, bà Phượng cũng đề xuất cần có hành lang pháp lý phù hợp đối với khai thác mặt nước để phát triển những cụm kinh tế biển tổng hợp. Ngoài ra, còn cần phát triển hết tiềm năng của kinh tế biển xa bờ để khai thác tối đa tiềm năng, phát triển bền vững. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa việc marketing sản phẩm thủy sản Việt, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng truyền thông về văn hóa ẩm thực.
“Nguồn vốn chúng tôi không hề thiếu, cơ chế chính sách không hề thiếu, hiện nay chúng tôi có nguồn vốn cho các dự án xanh, các dự án đảm bảo về môi trường, phát triển bền vững, được cho vay với lãi suất rất ưu đãi”, bà Phượng khẳng định.