Xẩm và những bước chuyển mình
Bằng nhiều cách khác nhau, những người làm nghề và tâm huyết với nghệ thuật hát xẩm đã đem đến cho xẩm một diện mạo mới nhưng không hề mất đi giá trị cốt lõi.
Nhóm xẩm Hà thành trong MV Xẩm trà đá |
Năm 2008, nhạc sĩ Thao Giang cùng Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã khôi phục nghệ thuật hát xẩm, đánh dấu một bước ngoặt đối với loại hình âm nhạc truyền thống này. Kể từ đó, hát xẩm đã được phổ biến rộng rãi và đến gần hơn với công chúng thông qua nhiều chương trình về xẩm được tổ chức.
Chiếu xẩm chợ Đồng Xuân tại Hà Nội gần 10 năm qua vào mỗi dịp cuối tuần đã trở thành nếp văn hóa tại Thủ đô của Việt Nam. Mỗi khi chương trình này diễn ra, đông đảo công chúng trong và ngoài nước lại “lót dép” ngồi nghe và xem các nghệ sĩ kéo nhị, gẩy đàn, gõ trống, phách… cùng lời ca của xẩm.
Đặc biệt, xẩm bùng nổ và cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ thông qua chương trình Xẩm và đời diễn ra vào đầu năm 2015. Đó là chương trình có nhiều cái nhất: lần đầu tiên xẩm được đưa lên sân khấu - một không gian nghệ thuật sang trọng (không là góc phố, bến sông, nhà ga…) cho thấy xẩm được tôn vinh đúng đắn.
Bên cạnh đó, Xẩm và đời quy tụ các nghệ sĩ hàng đầu vốn là những người giữ “hồn xẩm” nhiều năm qua: NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường; nhạc sĩ Quang Long, ca sĩ Hà Linh, Á hậu Trà Ngọc Hằng...
Xẩm và đời mang hơi thở từ truyền thống đến đương đại kết hợp thử nghiệm đã đem đến cho người xem một bữa tiệc âm nhạc dân tộc đặc sắc. Chương trình khép nhưng nhiều khán giả còn bịn rịn vì họ còn lâng lâng men say trong các bản xẩm mà những nghệ sĩ đã thể hiện trên sân khấu.
Dịp vừa qua, nhóm xẩm Hà thành (Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc) đã giới thiệu đến công chúng MV (music video) Xẩm trà đá vốn “gom góp” từ rất nhiều các vấn đề xã hội thành một “liên khúc xẩm” mang tính thời sự. MV Xẩm trà đá dài gần 9 phút (xem miễn phí trên trang mạng Youtube), ngoài phần mở đầu, kết thúc, dẫn nối… các nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, Khương Cường, Thanh Sơn đã thể hiện một “liên khúc xẩm” đề cập tới những vấn đề thời sự lớn đã, đang xảy ra trong thời gian gần đây.
Qua các bản xẩm Tắm tri ân, Dân làng tự lo giữ rừng, Bỏ con bơ vơ, Máy bay rơi, MV Xẩm trà đá nhắc nhớ những câu chuyện như thái độ ứng xử kém văn hóa của nhiều người khi vượt hàng rào, chen lấn, xô đẩy… trong lần Công viên nước Hồ Tây mở cửa miễn phí đầu mùa hè; chuyện về lâm tặc phá rừng và sự can đảm của đồng bào dân tộc Bahnar ở làng Kon Sor Lak (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) đã tự tổ chức vây bắt gỗ lậu do lâm tặc chặt phá.
Bên cạnh đó còn là câu chuyện về tình mẫu tử trước vấn nạn những bà mẹ trẻ hiện nay bỏ con thơ mới lọt lòng bơ vơ trước cuộc đời, từ đó đã dẫn đến nhiều thảm cảnh cho chính các bé; hoặc chuyện về an toàn hàng không với nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên toàn thế giới trong 2 năm lại đây...
MV Xẩm trà đá là sự đột phá, ngoài những giá trị truyền thống của nghệ thuật xẩm được kế thừa, các nghệ sĩ trẻ với lòng yêu nghề và yêu đời đã tự gom góp tiền để thực hiện những cảnh quay, thu âm, dàn dựng…
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, MV Xẩm trà đá không chỉ bao quát thông tin thời sự, thể hiện được rõ nhất hình ảnh xẩm ngày hôm nay sống trong đời sống hàng ngày như thế nào mà còn mang hy vọng tạo được một hình ảnh mới mẻ, đặc biệt sống động cho xẩm đương thời.
Trước MV Xẩm trà đá, nhóm xẩm Hà thành cũng từng gây tiếng vang với việc thực hiện MV xẩm sai Tiễu trừ cướp biển, ra mắt cuối tháng 7/2014. MV Tiễu trừ cướp biển đã thể hiện tinh thần yêu quê hương, đất nước mà các nghệ sĩ thực hiện gửi gắm.
Với lời ca, giai điệu vui nhộn nhưng cũng đầy khí phách, MV Tiễu trừ cướp biển đã cho thấy sự quyết tâm đồng sức, đồng lòng của nhân dân trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển – đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và đó cũng là MV góp tiếng nói khẳng định hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam.
Xẩm thời gian qua cũng đã ngân vang bên cả những nước châu Âu bằng những chuyến lưu diễn của các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc và nhận về những tình cảm tốt đẹp của đồng bào Việt kiều cũng như khán giả nước sở tại. Điều đó cho thấy nghệ thuật xẩm đã, đang có sức lan tỏa và “sống” trong lòng người yêu nghệ thuật hôm nay và mai sau. Bởi thế, xẩm đã thật sự chuyển mình!