Xem xét điều chỉnh chính sách để có thêm điều kiện hỗ trợ khách hàng
Agribank chung sức cùng các địa phương và người dân khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 Cán bộ, người lao động Agribank ủng hộ 1 ngày lương khắc phục hậu quả bão số 3 |
Xin bà cho biết sơ bộ tình hình thiệt hại của khách hàng tại Agribank bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3?
Sau cơn bão số 3 hầu hết các tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng kể cả khu vực Hà Nội bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo số liệu thống kê ban đầu, đến nay Agribank có khoảng hơn 12.000 khách hàng với dư nợ khoảng 21.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão. Hiện có một số địa phương bị mất điện, giao thông bị chia cắt chưa liên lạc được nên ngân hàng vẫn đang tiếp tục thống kê con số thiệt hại.
Với những thiệt hại ban đầu như vậy, ngân hàng đã có chính sách hỗ trợ như thế nào đối với khách hàng, thưa bà?
Là những người làm việc trực tiếp với khách hàng, thực sự sau cơn bão số 3 và lũ lụt, ngân hàng rất thấu hiểu và chia sẻ với khách hàng. Trong suốt mấy năm qua, sau dịch bệnh Covid rồi đến khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp và người dân đã rất khó khăn. Và sau đợt lũ lụt này, khó khăn sẽ chồng chất lên người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngay khi bão giảm cấp độ, Agribank đã thành lập các đoàn công tác đi thực tế các địa phương bị thiệt hại nắm bắt tình hình, chia sẻ khó khăn với khách hàng đồng thời chỉ đạo các chi nhánh triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng như miễn, giảm lãi, cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay mới để phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến thời điểm này, Đoàn công tác của Agribank vẫn đang tiếp tục đi nắm bắt tình hình tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Như bạn biết, đặc thù hoạt động cho vay của Agribank tập trung vào thị trường nông nghiệp, nông thôn và nông dân, mà đây lại là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3. Vì vậy, ngân hàng phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách để có thể hỗ trợ khách hàng một cách kịp thời, hiệu quả nhất. Đối với khách hàng khu vực này, ngân hàng đang áp dụng quy định cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP nay là Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT. Đồng thời, Agribank cũng hướng dẫn với khách hàng cũng như những địa phương bị ảnh hưởng thiên tai trên diện rộng xác định thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ trình lên các cấp có thẩm quyền để khoanh nợ cho khách hàng. Song chính sách này phải do Thủ tướng quyết định.
Agribank Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bão lụt tại địa điểm xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, Lạng Sơn |
Trước mắt, Agribank đang tính toán mức độ thiệt hại của khách hàng để có giải pháp phù hợp. Vì có khách hàng bị thiệt hại toàn bộ, có khách hàng bị thiệt hại một phần… Agribank đang dự kiến ngay trung tuần tháng 9/2024 ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, lũ lụt sau bão với mức độ từ 0,5-2%/năm so với lãi suất đang áp dụng với khách hàng.
Ngoài các chính sách trên, Agribank cũng như nhiều ngân hàng đang áp dụng quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng. Việc cơ cấu, gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn giúp khách hàng kéo dài thời hạn cho vay phù hợp với nguồn thu để khách hàng có nguồn thu trả nợ ngân hàng.
Song song với giải pháp tài chính, Agribank còn hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 17,6 tỷ đồng và ủng hộ 1 ngày lương ước trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, những giải pháp cơ cấu nợ cho khách hàng được ngân hàng áp dụng bình thường. Còn trong thời gian tới, với bối cảnh khách hàng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai lũ lụt như vậy, theo tôi cần phải có chính sách phù hợp hơn so với quy định hiện nay.
Bà có thể cho biết cụ thể hơn đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ khách hàng sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống?
Hiện tại theo quy định tại Thông tư 02 và Thông tư 06 sửa đổi thời hạn hiệu lực đến 31/12/2024 và áp dụng cho các khoản nợ giải ngân trước ngày 24/4/2023. Trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng, NHNN xem xét điều chỉnh cho phù hợp một số quy định tại Thông tư này như cho phép những khoản giải ngân sau ngày 24/4/2023 được kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ…
Sau bão lũ chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Do vậy, ngoài nguồn lực của các NHTM, rất cần có chính sách đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ban, ngành như cho phép khoanh nợ, giảm thuế, giãn thuế; hoặc hỗ trợ phí bảo hiểm… để khách hàng vượt qua khó khăn, sớm hồi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Qua cơn bão vừa qua mới thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo hiểm đối với người dân, doanh nghiệp như thế nào. Tôi cho rằng, thời gian tới khách hàng phải thay đổi quan điểm đối với vấn đề bảo hiểm. Việc mua bảo hiểm sẽ giảm gánh nặng tài chính nhiều cho người mua không may gặp rủi ro.
Xin cảm ơn bà!