Trên thực tế, trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc tiếp cận và phát triển đa kênh truyền thông cả trực tuyến và trực tiếp đang ngày càng được quan tâm và trở thành xu hướng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp buộc phải thích ứng kịp thời để phát triển...
![]() |
Ảnh minh họa |
Bà Trương Cát Ngọc - nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội chia sẻ, sáng tạo các nội dung phù hợp với xu hướng, giúp việc tiếp cận và thu hút sự quan tâm của người dùng trở nên dễ dàng hơn trên nền tảng số, đó là chìa khóa giúp cho các doanh nghiệp gia tăng sự nhận diện thương hiệu cũng như thu hút đối với khách hàng tiềm năng trong thời đại công nghệ số như hiện nay.
Tại TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của sự phát triển, đặc biệt là đối với ngành du lịch sau đại dịch Covid-19. Điều này hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, thu hút du khách quan tâm và trải nghiệm các điểm đến.
Thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng đã có nhiều kế hoạch tăng cường hợp tác, cùng với cộng đồng doanh nghiệp tìm kiếm và ứng dụng chuyển đổi số. Với vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu trong việc triển khai thành công các giải pháp về chuyển đổi số như: Ứng dụng công nghệ du lịch thực tế ảo VR360 và metaverse, sàn giao dịch trực tuyến, ứng dụng du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động, ứng dụng Chatbot…
Đặc biệt, Sở Du lịch thành phố đã phối hợp Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel ra mắt sàn thương mại điện tử kết hợp triển lãm ảo du lịch. Đây là một trong những giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, chống thất thu thuế, tăng hiệu quả quản lý nhà nước và tăng doanh thu cho doanh nghiệp thông qua tiếp cận nhiều du khách. Các đối tượng tham gia sàn thương mại điện tử gồm du khách, đại lý du lịch, cơ quan nhà nước và nhà cung cấp dịch vụ.
Du khách có thể tìm kiếm điểm đến, khách sạn, tour, nhà hàng, đặc sản, lên kế hoạch chuyến đi, thanh toán trực tuyến và tương tác trên mạng xã hội với cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ hỗ trợ... Các doanh nghiệp có thể quản lý dịch vụ, đặt dịch vụ (booking), tìm nhà cung cấp, khách hàng thuận lợi hơn và du khách có thể tìm kiếm điểm đến, khách sạn, tour, lên kế hoạch chuyến đi và thanh toán trực tuyến…
Hiện, ngành du lịch Đà Nẵng mong muốn cùng với cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng và chia sẻ những cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình chuyển đổi số hiện nay cũng như trong tương lai.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Bình, cùng với sự nỗ lực của ngành du lịch Đà Nẵng, sự đồng hành về nguồn lực và giải pháp công nghệ của các doanh nghiệp truyền thông số, sự hưởng ứng và nâng cao về nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng, các giải pháp về truyền thông du lịch trên nền tảng số sẽ được cụ thể hóa, mang lại hiệu quả và lợi ích tích cực không chỉ riêng đối với doanh nghiệp du lịch dịch vụ mà còn góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng với thế giới.
Trung Anh
Nguồn: