Xử lý nợ xấu còn những rào cản
Hà Nội: Đẩy nhanh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 | |
Xử lý nợ xấu bằng ứng xử “đẹp” |
Xử lý nợ xấu là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị |
Rủi ro nợ xấu vẫn lớn
Tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN Việt Nam cho biết, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 968.890 tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 về 1,98%. Nếu tính cả nợ xấu ngoại bảng (nợ bán cho VAMC chưa xử lý) và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống hiện là 4,84%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 5,85% cuối năm 2018.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý 3 của không ít ngân hàng cho thấy số dư nợ xấu tuyệt đối vẫn tăng… Đơn cử tính đến 30/9/2019, VietA Bank nợ xấu là 481 tỷ đồng, tăng 38 tỷ đồng so với cuối năm 2018.
Không chỉ vậy, các ngân hàng đang bày tỏ lo ngại về khoản vay các dự án BOT, BT giai đoạn trước đây. Theo báo cáo của NHNN, có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các NHTM.
Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến ngày 31/3/2019, đã có 24 TCTD cấp tín dụng cho 105 dự án BOT, BT giao thông. Trong đó có 93 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng hạn mức cấp tín dụng là 175.296 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là 103.573 tỷ đồng. Trong số 93 dự án hoàn thành, có 30 dự án có doanh thu thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 54.290 tỷ đồng. Trong đó, VietinBank là ngân hàng cho vay BOT nhiều nhất, 16 dự án với dư nợ 34.782 tỷ đồng...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án BOT giao thông gặp khó khăn khi trả nợ theo nhận định của một chuyên gia ngân hàng do lưu lượng phương tiện thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng; Trạm thu phí chưa được đưa vào khai thác hoặc thời gian đưa vào thu phí chậm so với hợp đồng. Tuy nhiên, không phải tất cả những dự án rơi vào cảnh chợ chiều mà vẫn có những dự án, phương tiện qua lại trên tuyến tăng đều đặn, nhưng báo cáo doanh thu vẫn giảm với nhiều lý do như phải giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ…
Vì lẽ đó, trong báo cáo gửi tới Quốc hội, NHNN cho biết, nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Nợ xấu đang tập trung chủ yếu ở các tổ chức yếu kém, song việc xử lý dứt điểm rất khó khăn, cần có cơ chế đặc thù.
Xử lý nợ xấu còn tắc ở đâu?
Xu hướng xử lý nợ xấu có dấu hiệu chậm lại khiến nợ xấu tại một vài ngân hàng tăng được giới chuyên môn nhận định do quá trình xử lý nợ xấu vẫn đang gặp những chướng ngại, nhất là từ quá trình triển khai Nghị quyết 42. Theo quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng Nguyễn Văn Du vẫn có những vướng mắc chưa được tháo gỡ hoàn toàn hoặc cách áp dụng còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất.
Chẳng hạn, tại một số địa phương, dù được cấp ủy, chính quyền sở tại ủng hộ và đánh giá cao về mặt chủ trương, nhưng trong công tác triển khai thực tế, các cấp chính quyền và cơ quan hữu quan trên địa bàn lại chưa quyết liệt, xem đây là lĩnh vực riêng của ngành Ngân hàng nên gặp vướng mắc trong phối hợp xử lý. Đặc biệt, công tác thu giữ TSBĐ còn nhiều khó khăn, bất cập do các cấp cơ sở chưa được tập huấn về Nghị quyết 42 để biết công việc cần thực hiện.
Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hóa các DNNN, việc thừa kế nghĩa vụ trả nợ giữa pháp nhân mới thành lập và pháp nhân cũ chưa được đồng bộ. Một số trường hợp cá biệt pháp nhân mới không thừa nhận nghĩa vụ thanh toán nợ đã là nợ xấu của pháp nhân cũ dẫn đến tranh chấp kéo dài tại tòa án.
Nghị quyết 42 đã quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ nhưng việc triển khai không hiệu quả, số vụ việc được giải quyết này còn rất hạn chế. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Vietcombank cho biết, chưa có khoản nợ xấu nào của ngân hàng này được áp dụng hình thức rút gọn tại tòa.
Tương tự tại Agribank, Phó tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết dù chuyển tới 10 vụ án sang tòa án đề nghị giải quyết theo thủ tục rút gọn, thì ngoài 1 vụ án được hòa giải, 9 vụ án khác được tòa hướng dẫn giải quyết theo thủ tục thông thường. Vì vụ án nào cứ có đơn kiện là dừng lại, ngân hàng không được xử lý tiếp…
Trước những bất cập trên, NHNN kiến nghị Quốc hội yêu cầu Tòa án Nhân dân tối cao sớm có văn bản gửi cơ quan. Toà án địa phương yêu cầu các đơn vị này ưu tiên áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, Tòa án Nhân dân tối cao xem xét, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự) sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các TSBĐ là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42. Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các TCTD được tra cứu, trích xuất các thông tin liên quan từ hệ thống dữ liệu này.